Nỗi lo thiếu máu điều trị vẫn luôn thường trực

Thứ Tư, 10/03/2021, 07:28 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thiếu máu trong cấp cứu, điều trị dịp sau tết Nguyên đán luôn là nỗi lo thường trực. Dù mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận thêm nguồn máu từ Ngày hội xuân hồng năm 2021, song tình trạng thiếu máu vẫn sẽ tiếp tục xảy ra nếu không có nguồn máu vận động từ người nhà bệnh nhân.

Những ngày đầu tháng 3, lượng máu dự trữ tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ còn khoảng 50 đơn vị vừa mới vận động thu gom được từ người nhà bệnh nhân.

Nhập viện điều trị tại khoa Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chấn thương rất nặng, thiếu máu nghiêm trọng, bệnh nhân Lò Văn Tiên, bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên được chỉ định truyền 6 đơn vị máu.

Những ngày điều trị sau đó, vị trí tổn thương đã cầm máu song bệnh nhân Tiên vẫn thiếu khoảng 50% lượng máu bình thường trong cơ thể. Do lượng máu dự trữ trong bệnh viện không thể đáp ứng đủ nên các y, bác sĩ phải huy động nguồn máu từ người nhà bệnh nhân.

1
Lượng máu dự trữ dùng trong cấp cứu, điều trị của Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng "báo động đỏ".

Điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do chấn thương phổi, gãy xương sườn, loét hành tá tràng, bệnh nhân Sùng Sống Ly cũng được chỉ định truyền 8 đơn vị máu, song tình trạng sức khỏe của bệnh nhân vẫn diễn biến phức tạp.

Ổ chảy máu khó cầm nên bệnh nhân Ly vẫn cần phải truyền thêm lượng máu khá lớn, trong khi nguồn máu của bệnh viện ngày càng khan hiếm khiến gia đình bệnh nhân Ly vô cùng lo lắng.

Vào viện, ông được truyền nhiều máu rồi. Do mất máu nhiều nên lượng máu truyền rất nhiều. Bác sĩ đã tận tình điều trị cùng với truyền máu nên gia đình cũng yên tâm hơn. Tuy nhiên, do ông bị ngã dẫn tới vừa bị thương ở phổi, vừa gãy xương lại còn bị mất máu nữa nên chúng tôi cũng lo lắng lắm. Giờ chỉ mong chờ vào nguồn máu của bệnh viện thôi.” - anh Sùng Chứ Chè, Người nhà bệnh nhân Sùng Chừ Ly nói

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số hoạt động hiến máu tình nguyện của các đơn vị bị tạm hoãn khiến lượng máu dự trữ dần cạn kiệt. Thực trạng này đã gây nhiều khó khăn cho các bệnh viện trong cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, nhất là những khoa có đông bệnh nhân và cần nhiều máu điều trị như: Khoa Nội tổng hợp, Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng...

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Lịch, Phó trưởng khoa xét nghiệm, Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết:  “Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến công tác tiếp nhận máu và tuyên truyền hiến máu tình nguyện. Nguồn máu của tỉnh Điện Biên ngoài phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh tổ chức, trong mỗi dịp khan hiếm máu, bệnh viện phải huy động thêm nguồn máu từ người nhà để đảm bảo nguồn máu cấp cứu điều trị người bệnh trong lúc khan hiếm máu ở bệnh viện đa khoa tỉnh.”

1
Để đủ máu phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị rất cần sự sẻ chia của cộng đồng thông qua các hoạt động hiến máu tình nguyện.

Để đáp ứng nhu cầu về máu trong cấp cứu, điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện tham gia hiến máu. Đồng thời, kêu gọi vận động người dân, người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu tại bệnh viện.

Mới đây, để khắc phục tình trạng khan hiếm máu, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã kêu gọi cán bộ, công nhân viên chức và người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu tình nguyện trong Ngày hội xuân hồng năm 2021.

Tuy nhiên, lượng máu không thể dự trữ nhiều và bảo quản trong thời gian quá lâu vì hạn sử dụng rất ngắn nên kho máu rất nhanh cạn kiệt.

Dự kiến, năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần khoảng 4.500 đơn vị máu, 100 đơn vị tiểu cầu cho phục vụ điều trị tại bệnh viện và cung cấp cho tuyến y tế cơ sở.

Vì vậy, mỗi người dân hãy thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện để sẻ chia khó khăn với ngành y tế và người bệnh đang cần máu điều trị./.

 

 

Hoàng Út – Duy Hải/DIENBIENTV.VN
 
 

.