Bảo quản thực phẩm mùa nắng nóng

Thứ Bảy, 14/04/2018, 15:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vào những ngày thời tiết nóng bức, việc bảo quản thức ăn, thực phẩm đúng cách sẽ giúp phòng tránh sự nhiễm khuẩn và một số nguyên nhân gây nên các bệnh đường tiêu hóa như ngộ độc, tiêu chảy cấp...

Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong. Nguyên nhân được xác định là xuất phát từ thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật, thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất và thực phẩm còn tồn  dư lượng độc tố cao…

Thành phố Điện Biên Phủ mấy ngày gần đây đã bắt đầu bước vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể lên đến trên 30 độ C. Được biết, trong thời gian gần đây, số lượng trẻ em nhập viện do mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa có xu hướng tăng dần. Thời tiết nắng nóng, vi trùng phát triển nhiều khiến trẻ em vô tình ăn phải thực phẩm hỏng vì không được bảo quản đúng cách.

1
 Thức ăn ở nhiệt độ phòng, không bảo quản nên dễ bị vi trùng dễ xâm nhập và gây nên các bệnh tiêu hóa


Nhiều người có thói quen khi nấu ăn xong thường để thức ăn ở nhiệt độ phòng, không bảo quản nên vi trùng dễ xâm nhập và gây nên các bệnh tiêu hóa, thức ăn nếu để lâu trong nhiệt độ nóng thường sẽ dễ làm vi trùng phát triển nhanh chóng, số vi trùng sẽ tăng gấp đôi, gấp ba và sẽ tiếp tục phát triển theo cấp số nhân. Với lượng vi khuẩn lớn như vậy có trong thức ăn, nếu con người ăn phải sẽ bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. 

Ngoài ra, một số người cũng có thói quen cất thức ăn vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản và cho rằng sẽ rất an toàn. Tuy nhiên, ngăn mát của tủ lạnh luôn giữ ở mức là trên 5 độ C, ở nhiệt độ này, vi khuẩn vẫn có thể sinh sôi, do đó cần hạn chế việc bảo quản thức ăn trong thời gian dài dù đã cất vào tủ lạnh, đối với thực phẩm đã qua chế biến thì nên dùng sớm, tránh để lâu trong ngăn mát của tủ lạnh.

Khi bảo quản thức ăn bằng tủ lạnh, nên để thức ăn nguội bớt rồi mới cho vào tủ, tránh để thức ăn đang nóng vào tủ lạnh luôn vì có thể khiến thực phẩm bị biến chất, ngưng động hơi nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh trưởng.

Ở nhiệt độ thường thức ăn chín nếu không được bảo quản tốt sẽ bị ôi thiu trong vòng 5 - 10 tiếng, nhất là vào mùa hè oi bức thì thức ăn sẽ nhanh hỏng hơn. Nếu ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, nhẹ thì bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, tiêu chảy thậm chí bị tử vong.

1
Thói quen khi cất thức ăn trong ngăn mát tủ lạnh để lâu cũng dễ bị nhiễm khuẩn không tốt cho sức khỏe

 

Vậy chế biến, bảo quản thức ăn như thế nào để phòng bệnh là vô cùng quan trọng nhất là bà con vùng sâu, vùng xa không có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Thông thường sau khi ăn thực phẩm còn dư thừa để bữa sau có thể ăn tiếp thì việc bảo quản tốt nhất là sử dụng tủ lạnh.

Nhưng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa  nếu không có tủ lạnh, thì có thể bảo quản thức ăn thừa bằng cách đun lại thức ăn thừa cho kỹ và để nguội, để thức ăn ở chỗ mát. Thức ăn thừa hoặc nấu trước 1 - 2 giờ cần đun lại trước khi ăn, điều này để tránh cho vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản thực phẩm.

1
Bảo quản đúng cách có thể giảm bớt sự phát triển của các vi khuẩn nhưng không diệt được các sinh vật

 

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn thực phẩm, hiểu biết về những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm trong quá trình lựa chọn, chế biến thực phẩm và đặc biệt bảo quản thực phẩm trong mùa hè nắng nóng.

 

 

Hương Trà/Dienbientv.vn

.