Điện Biên

Thuốc cấm nhưng vẫn lưu hành

Thứ Ba, 05/11/2019, 14:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong khi số vụ tự tử bằng thuốc diệt cỏ đang ngày càng gia tăng thì công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật bộc lộ nhiều kẽ hở. Việc có thể dễ dàng mua được thuốc diệt cỏ tại những nơi không có giấy phép đăng ký kinh doanh, thậm chí là những mặt hàng thuốc đã bị cấm lưu hành đang là nguyên nhân dẫn tới những sự việc đau lòng do thuốc diệt cỏ.

1
Tại các huyện vùng cao thuốc diệt cỏ Paraquat vẫn được mua bán một cách công khai, dễ dàng

Trước tác hại khôn lường của ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat, tháng 2/2017, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 278 về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất 2.4D và paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, thời hạn sản xuất, nhập khẩu tối đa là 1 năm, được buôn bán, sử dụng tối đa là 2 năm kể từ ngày Quyết định có hiệu lực. Thế nhưng, dù đã quá thời hạn được phép buôn bán, sử dụng hơn nửa năm nay song tại các huyện vùng cao thì thuốc diệt cỏ Paraquat vẫn được mua bán một cách công khai, dễ dàng.

Anh Giàng A Cháng, Bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ cho biết: “Thuốc Trung Quốc kia thì có người Mông trong Nà Hỳ mang xuống đến tận bản bán. Giờ thì ra ngoài quán này mua. Mua người ta bảo diệt cỏ thì biết là diệt cỏ là mình mua thôi”.

1
Dễ dàng mua thuốc bảo vệ thực vật tại các cửa hàng tạp hóa dù không có giấy đăng ký kinh doanh bán thuốc

Tại các cửa hàng bán hàng tạp hóa, những nơi không có giấy đăng ký kinh doanh bán thuốc bảo vệ thực vật, trong vai người dân đi mua thuốc diệt cỏ cháy, chúng tôi có thể dễ dàng mua được bất cứ loại thuốc nào tùy theo mục đích sử dụng.

Để qua mắt lực lượng chức năng, thuốc được cất giấu kỹ chỉ khi có người hỏi mua mới được đem ra bán. Điều đặc biệt, tại 3 cửa hàng tạp hóa chúng tôi tìm mua đều có bán các loại thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất paraquat, một trong những hoạt chất đã bị cấm buôn bán sử dụng.

Ông Hồ Chử Dung, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: “Thực tế trên địa bàn có 1 số hộ gia đình, hộ kinh doanh trong thời  vụ người ta tiêu dùng nhiều họ tranh thủ lấy bán cho các hộ người ta mua. Các hộ đấy người ta chỉ bán chui thôi, khi kiểm tra thì không có giấy kinh doanh”.

Tại huyện Tủa Chùa, thuốc diệt cỏ còn được bày bán theo chợ phiên để người dân có thể dễ dàng mua về sử dụng. Tìm hiểu vai trò của cơ quan chuyên môn trong việc siết chặt quản lý mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, được biết việc quản lý đã được phân về cấp xã thực hiện. Song ở cấp xã lại chưa hề có bất cứ động thái nào để xử lý tình trạng vi phạm trong buôn bán mặt hàng cấm trên.

HOANG UT - NOI DAU THUOC DIET CO.mpg_snapshot_03.13.jpg
Việc dễ dàng mua thuốc diệt cỏ Paraquat đang trở thành mối “ẩn họa khôn lường” trong đời sống của người dân vùng cao

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết: “Đối với thuốc cỏ sử dụng trên nương thì trước đến nay có 2 loại thuốc người dân hay dùng 2 loại thuốc người dân hay dùng là paraquat và Gly phosate. Đối với loại thuốc paraquat thì đã loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc được sử dụng. Đối với Glyphosate tính đến tháng 6 năm 2020 bị loại bỏ. Đối với paraquat trên địa bàn tỉnh hiện giờ đã loại bỏ rồi”.

Theo khẳng định của vị lãnh đạo Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay paraquat đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam và tỉnh Điện Biên cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, trên thực tế, tại các cửa hàng tạp hóa ở các xã vùng cao, phóng viên chúng tôi vẫn dễ dàng mua được paraquat với số lượng lớn.

Như vậy có hay không việc buông lỏng quản lý thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là các danh mục thuốc đã bị cấm sử dụng? Hiện nay trên thị trường Paraquat được gọi với nhiều tên như Glamoxone, Cyclone, Surehre, Prelude. Việc có thể dễ dàng mua thuốc diệt cỏ khi có nhu cầu hay việc loạn danh mục tên thuốc đang khiến thuốc diệt cỏ trở thành mối “ẩn họa khôn lường”./.
 

 

Hoàng Út – Minh Hòa/DIENBIENTV.VN

.