Điện Biên

Khi người nghèo không muốn thoát nghèo

Thứ Tư, 13/11/2019, 14:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của các cấp chính quyền, chính sách giảm nghèo thực sự đã đi vào cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí có đời sống khấm khá. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa thực sự muốn thoát nghèo hoặc đã thoát nghèo nhưng vẫn muốn được là hộ nghèo để hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Khi người nghèo không muốn thoát nghèo, lười lao động thì đồng nghĩa họ cũng không nỗ lực thoát nghèo. Câu chuyện giảm nghèo cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn. Bởi công tác xóa đói giảm nghèo nếu chỉ có nỗ lực các cấp chính quyền và các ngành chức năng thì chưa đủ mà cần sự tự lực vươn lên từ chính hộ nghèo.

1
Một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo

Thế nhưng, ở một bộ phận không nhỏ người nghèo vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo. Thậm chí, ngay tại xã Thanh Minh, một xã nông thôn mới của thành phố Điện Biên Phủ tình trạng này vẫn còn diễn ra.

Anh Lò Văn Quyết, Trưởng Bản Huổi Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: “Hiện tại bản có 2 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Năm 2019, đã có nhiều hộ thoát nghèo nhưng vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ nại vào chế độ hỗ trợ của nhà nước. Vì ở hộ nghèo họ được nhiều ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước để phát triểm kinh tế”.

Tìm hiểu thực tế tại các hộ dân, sở dĩ không ít hộ dân có tư tưởng không muốn thoát nghèo, là khi thoát nghèo rồi, họ sẽ không được hưởng nhiều thứ như: Không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, con cái sẽ không được miễn giảm học phí, không được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Ông Quàng Văn Hiền, Bản Huổi Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: “Gia đình tôi đông khẩu, nên tách con gái ra ở riêng, nhà lụp xụp như thế này, đây là nhà của con gái tôi. Suất hộ nghèo chỉ được 2 năm thôi, bây giờ cắt hộ nghèo rồi, các khoản hỗ trợ khác thì không được nữa nhất là thẻ bảo hiểm y tế”.

Không thể phủ nhận một điều: các chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng, Nhà nước và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội không chỉ dừng lại trong tháng cao điểm “Vì người nghèo”, “Ngày vì người nghèo” mà cuộc sống của người nghèo có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên trước thực tế một bộ phận người dân vẫn còn trông chờ ỷ nại vào chế độ hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, giải pháp lâu dài luôn được nhiều người nhắc đến chính trao cần câu thay vì cho con cá. Hỗ trợ giảm nghèo là điều kiện cần phải đi kèm với việc tăng cường vai trò chủ động thoát nghèo của chính người nghèo đó là điều kiện tiên quyết. Khi đó, công tác giảm nghèo mới thật bền vững./.

 

 

Hoàng Út – Văn Hùng/DIENBIENTV.VN

.