Điện Biên TV - Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều trường hợp mắc cúm A/H1N1, bởi vậy mỗi người dân cần phải nhận biết các dấu hiệu mắc cúm A/H1N1 và cách phòng chống cúm.
|
Một bệnh nhân bị mắc cúm A/H1N1 |
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên hiện tại trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 7 cả mắc cúm A/H1N1 trong đó 1 bệnh nhân tự điều trị tại nhà và đã khỏi bệnh; 3 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và 3 bệnh nhân xin chuyển tuyến điều trị xuống Hà Nội.
Chính vì thế để chủ động phòng tránh bệnh cúm A/H1N1 mỗi người dân cần phải có sự hiểu biết về các dấu hiệu cũng như cách phòng tránh bệnh cúm A/H1N1.
Các dấu hiệu, triệu chứng nhận biệt cúm A/H1N1
Dấu hiệu: Bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột (trên 38oC), ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng lấy dịch mũi họng để xét nghiệm Virus cúm A có thể tồn tại khá lâu ngoài môi trường.
Triệu chứng: Bệnh cúm A/H1N1 giống như cúm mùa bao gồm sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy. Triệu chứng cúm A/H1N1 mới khác với cúm gia cầm A/H5N1. Cúm gia cầm không có các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi hay đau nhức cơ thể mà thay vào đó là bệnh cảnh của viêm phổi cấp sốt, ho, khó thở.
Bệnh cúm A/H1N1 lây lan rất nhanh
Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...
Những phương pháp phòng bệnh cúm A/H1N1
Nắm được phương pháp phòng bệnh cúm H1N1, bạn sẽ có khả năng ngăn ngừa được virus cúm mỗi khi đến mùa hoặc có dịch. Đối với những người có nguy cơ dễ bị bệnh nặng hoặc lây nhiễm, như sức đề kháng kém, hệ hô hấp yếu, khi có những biểu hiện như sốt cao do cúm, đau ngực cần đến những trung tâm y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta cần chú ý tới những vấn đề sau để việc phòng bệnh cúm H1N1 hiệu quả: Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi giao tiếp, tiếp xúc trực tiếp với mọi người xung quanh; hạn chế chùi tay lên mắt, mũi miệng, đưa tay vào miệng cắn móng tay..; che miệng mỗi khi sổ mũi, hắt hơi hoặc sử dụng khăn để thấm tiết dịch của cơ thể lây lan ra tay, cơ thể và các vật dụng, mọi người xung quanh; hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện của bệnh cúm như ho, sổ mũi, nhức đầu, sốt; chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn chín uống sôi và kết hợp vận động, tập thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Hy vọng với những kiến thức trên cùng với sự hiểu biết của người dân, sự chung tay của các cơ quan chức năng. Bệnh cúm A/H1N1 đang xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được đẩy lùi để người dân yên tâm lao động, sản xuất./.
Tử Long