76% các gia đình dễ bị tổn thương được tiếp cận với các dịch vụ xã hội
Điện Biên TV - Sáng 5/7, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức Tầm nhìn thế giới quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo sơ kết 8 tháng đầu năm 2017 và lập kế hoạch dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em (gọi tắt là EVAC) năm 2018 tại tỉnh Điện Biên.
Hội thảo sơ kết 8 tháng đầu năm 2017 và lập kế hoạch dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em năm 2018 |
Trong 8 tháng đầu năm 2017, Dự án EVAC được triển khai tại các xã: Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông của huyện Tuần Giáo và các xã Hừa Ngài, Huổi Lèng, Sa Lông của huyện Mường Chà.
Dự án đã truyền thông cho trên 600 trẻ em và 1.200 cha, mẹ và người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Qua đó, đã có 14% thanh, thiếu niên ở độ tuổi 12 - 24 thay đổi hành vi để tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị mua bán và bị bạo lực; 76% các gia đình dễ bị tổn thương được tiếp cận với các dịch vụ xã hội và 25% cha, mẹ và người chăm sóc trẻ được hỗ trợ, tư vấn về việc sử dụng các hình thức kỷ luật tích cực đối với trẻ em. Bên cạnh đó, dự án EVAC cũng kiện toàn Ban bảo vệ trẻ em ở 2 huyện Tuần Giáo, Mường Chà và 7 ban bảo vệ cấp xã thuộc dự án EVAC.
Tuy nhiên, việc tiếp cận với trẻ em bị bạo lực, trẻ em là nạn nhân bị mua bán, bị xâm hại và trẻ bị thất lạc rất khó khăn; hệ thống bảo vệ trẻ em chưa được triển khai rộng khắp cũng dẫn đến những khó khăn trong việc hỗ trợ, tư vấn và bảo vệ trẻ em.
Nhiều đại biểu đã chia sẻ những kết quả khảo sát đầu vào của Dự án EVAC; kết quả nghiên cứu tảo hôn; rà soát số lượng thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó, hội thảo xây dựng kế hoạch hoạt động Dự án EVAC trong năm tài chính 2018 và thống nhất khung xây dựng năng lực cho cán bộ nhằm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là thanh thiếu niên từ 12 - 24 tuổi khỏi nạn mua bán người, bị xâm hại, xao nhãng, bóc lột và những hình thức bạo lực khác./.
Kim Chung – Bùi Tiến