Thực trạng và giải pháp nước sinh hoạt ở Mường Nhé

Thứ Sáu, 15/03/2013, 16:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tại huyện vùng cao Mường Nhé, huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, nước sinh hoạt là một trong những vấn đề khó khăn trong nhiều năm qua.
    
Huyện Mường Nhé thành lập ngày 20/10/2002, sau hơn 10 năm thành lập dân số của huyện tăng từ 26 nghìn lên trên 63 nghìn người. Dân số của huyện biến động chủ yếu do dân di cư tự do. Việc dân số tăng đột biến không những ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà còn gây áp lực lớn đến môi trường sinh thái và việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo điều kiện sinh hoạt của đồng bào. Trong đó có vấn đề nước sinh hoạt hàng ngày.
    
Trung tâm huyện lỵ Mường Nhé được di chuyển từ khu vực xã Chà Cang vào từ năm 2007. Hiện nay, trung tâm huyện có khoảng 1.000 hộ gia đình. Mặc dù đã được đầu tư xây dựng trạm cấp nước công suất 300m3/ngày đêm nhưng mới chỉ đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho khoảng 300 hộ gia đình với đơn giá 4.800 đ/m3. Việc đảm bảo nước sinh hoạt đều đặn cho các hộ gia đình khu vực này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô. Khu vực đầu nguồn cạn nước, ống dẫn nước về bể chứa hư hỏng nhiều, hệ thống ống cấp nước đến các hộ gia đình xuống cấp là những nguyên nhân khiến lượng nước cấp về không ổn định, ngày có ngày không. Ngoài ra, nguồn nước không qua bất kỳ một quy trình xử lý nào nên vào những ngày mưa nước rất đục không đảm bảo sử dụng trong sinh hoạt.

Nước MNhé
Bể đầu mối hư hỏng, xuống cấp


Gia đình anh Nguyễn Chí Thanh, tổ dân phố 1 khu vực trung tâm huyện Mường Nhé, ngoài việc mua một téc chứa nước đã phải đầu tư mua một chiếc máy lọc nước trị giá hơn 4 triệu đồng để lấy nước sử dụng trong ăn uống. Không chỉ riêng gia đình anh Thanh, nhiều hộ gia đình khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhiều hộ gia đình đông người đã mua hẳn 2 téc và hứng cả nước mưa để có nước dùng trong sinh hoạt.
    
Trước thực trạng trên, bên cạnh giải pháp thực hiện phân phối, điều tiết nước hợp lý, tuyên truyền nhân dân sử dụng tiết kiệm hợp lý nguồn nước sinh hoạt. Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé đã có tờ trình và được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch trung tâm huyện Mường Nhé giai đoạn 2. Công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, tổng mức đầu tư 18,5 tỷ đồng. Hiện công trình đã được khởi công xây dựng. Công trình bao gồm khu nhà quản lý, cụm xử lý nước như bể trộn, bể phản ứng, bể lắng, bể lọc aquazo, bể chứa nước sạch…vv. Khi đưa vào vận hành, nhà máy xử lý nước sẽ có công suất 1.500m3/ngày đêm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân khu vực trung tâm huyện.

Đó mới là câu chuyện tại trung tâm huyện nơi đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước. Còn tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa  nước sinh hoạt trong đời sống hàng ngày chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng. Đảm bảo nguồn nước đầy đủ, vệ sinh cho khoảng 10 nghìn hộ gia đình tại 163 thôn, bản trên địa bàn toàn huyện thực sự là một bài toán khó. Đặc biệt tại những thôn, bản nằm xa trung tâm, xa nguồn nước. Mặc dù chưa có số liệu chính xác về các công trình cấp nước sinh hoạt nhưng theo thông tin từ Ban quản lý dự án huyện Mường Nhé, trong 2 năm 2011, 2012 bằng các nguồn vốn 30a, dự án sắp xếp ổn định dân cư 141, chương trình 120 bản huyện được đầu tư xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng 9 công trình cấp nước sinh hoạt. Các công trình này đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 2.600 nhân khẩu thuộc 7 xã. Một số công trình có quy mô cấp nước lớn có thể kể đến như: Công trình nước sinh hoạt trung tâm xã Na Cô Sa được đầu tư xây dựng 7 bể cấp nước dung tích 4m3 /bể đảm bảo cấp nước cho trên 1.100 nhân khẩu; công trình nước sinh hoạt xã Pá Mỳ có tổng kinh phí 1 tỷ đồng, xây dựng 11 bể chứa đảm bảo cấp nước cho trên 700 nhân khẩu; công trình nước sinh hoạt bản Húi To, xã Chung Chải cấp nước cho trên 200 nhân khẩu... Có thể nói, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, góp phần thay đổi cuộc sống và nhận thức của đồng bào.

Nước MNhé
Các công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước là niềm mong mỏi của bà con nhân dân tại nhiều thôn, bản vùng cao huyện Mường Nhé.


Trong năm 2013 này, huyện Mường Nhé sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng 6 công trình nước sinh hoạt tại 6 bản thuộc 4 xã: Pa Tần, Nà Khoa, Chà Cang và Nậm Kè. Mặc dù nguồn lực đầu tư của nhà nước là rất lớn, song không phải đồng bào của bản vùng sâu, vùng xa nào cũng may mắn được đầu tư xây dựng các công trình nước tự chảy. Rất nhiều thôn, bản bà con phải dùng nước trực tiếp tại suối, khe. Hình thức phổ biến nhất là đặt ống dẫn nước từ khe về và sử dụng các dụng cụ như thùng phuy, thùng nhựa để chứa nước sinh hoạt. Có những bản người dân phải đi bộ cả cây số để lấy nước về dùng cho sinh hoạt. Mùa khô khan hiếm nước, mùa mưa nước tràn trề nhưng đục và bẩn là vấn đề chung bà con nhân dân tại các thôn bản vùng cao huyện Mường Nhé phải đối mặt. Chính vì vậy, các công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước là niềm mong mỏi của bà con nhân dân tại nhiều thôn, bản.

Xác định đảm bảo nước sinh hoạt không những giúp bà con cải thiện điều kiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần tích cực thay đổi tư duy, tập quán sản xuất. Trong thời gian tới, ủy ban nhân huyện Mường Nhé một mặt đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình cấp nước sạch tại trung tâm huyện giai đoạn 2; tranh thủ các nguồn lực, nguồn vốn từ các chương trình đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt mới, đặc biệt tại các điểm sắp xếp ổn định dân cư. Mặt khác tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tăng cường ý thức quản lý, sử dụng các công trình đã được đầu tư xây dựng tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước.

 

Chu Linh - Trọng Lâm

.