Giữ gìn bản sắc nghệ thuật múa xòe

Thứ Năm, 09/03/2017, 10:58 [GMT+7]

Điện Biên TV -  Nghệ thuật xòe Thái là di sản văn hóa vô giá, là bản sắc văn hóa độc đáo gắn liền với đời sống hàng ngày của cộng đồng dân tộc Thái nói riêng và của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung. Nhưng không hẳn tất cả mọi người đều hiểu rõ về xuất xứ cũng như những ý nghĩa nhân văn đằng sau những vòng xòe say mê và tầm quan trọng của việc bảo tồn phát huy các điệu xòe cổ trong thời đại hiện nay.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nghệ nhân ưu tú Mào Văn Ết - một người tâm huyết, gắn bó và hết sức am hiểu về nghệ thuật trình diễn và tri thức dân gian trong đó có nghệ thuật múa xòe của đồng bào dân tộc Thái.  

1
Nghệ nhân ưu tú Mào Văn Ết

PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về nghệ thuật xòe Thái cổ trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái trước đây?   

Nghệ nhân Mào Văn Ết: Điệu xòe của dân tộc Thái có từ lâu đời, xuất phát từ đời sống sinh hoạt lao động, tập tục, tín ngưỡng. “Xòe” trong tiếng thái là “xe” tức là điệu nhảy. Xòe vòng xuất hiện sớm nhất, đầu tiên chỉ là cầm tay nhau đứng thành vòng tròn, hò hét, với mục đích chính là đuổi thú dữ, xua tan sợ hãi, thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng, dần dần mới hình thành nên điệu xòe vòng.

Bên cạnh đó mục đích thứ hai là để giải trí sau cả ngày lao động vất vả, đến đêm đốt lửa múa xòe. Lúc đầu điệu xòe rất đơn sơ, nhưng dần dần năm này qua năm khác đã xuất hiện thêm nhiều sáng tạo mới. Ở những bản mường lớn xòe rất nhiều vòng liên tiếp, theo từng độ tuổi lại ở từng vòng khác nhau, vòng xòe trong cùng là thiếu niên, tiếp đó đến thanh niên, trung niên, và người già lớn tuổi ở vòng xòe ngoài cùng.

Xoay theo những chiều khác nhau, múa theo một nhịp trống nhưng sự mềm mại, mạnh mẽ trong điệu là do từng lứa tuổi. Điệu xòe làm cho con người sảng khoái, thân thể vận động dẻo dai hơn, về mặt văn hóa lại kết nối được cộng đồng, từ đó sinh ra các điệu xòe, điệu múa khác. Không những múa xòe, họ còn nghĩ ra những làn điệu, bài hát để đối đáp nhau, lời hát tỏ tình trai gái, qua đó sẽ dần dần hình thành một nếp sinh hoạt truyền lại cho các thế hệ sau.

Những dân tộc khác trong những dịp lễ hội cũng đến thưởng thức điệu xòe, cùng múa vui với đồng bào dân tộc thái. Điệu múa cũng xuất phát từ sinh hoạt tín ngưỡng, từ điệu xòe sơ khai trải qua đời sống sinh hoạt của người dân đã dần dần phát triển thêm. Ví dụ như điệu múa “chèo thuyền” mô phỏng quá trình lao động, vượt sông vượt nước, tinh thần quả cảm vượt qua sông suối; Điệu múa “lên trời” với hình ảnh những chú kị mã,  được sáng tác để cầu mưa cầu may..

1
Những dân tộc khác trong những dịp lễ hội cũng đến thưởng thức điệu xòe, cùng múa vui với đồng bào dân tộc thái

 

PV. Những cộng đồng các dân tộc khác như Khơ mú, Xinh Mun cũng có những điệu múa dân gian đặc sắc và động đáo. Vậy đặc điểm nào trong nghệ thuật xòe Thái giúp nó nổi bật và khác biệt so với các loại hình múa của các dân tộc khác?

Nghệ nhân Mào Văn Ết: Điều khác nhau đầu tiên là về đặc điểm môi trường, không gian sống của đồng bào dân tộc Thái. Họ thường cư trú ở ven sông, ven suối, những bãi bằng, vì vậy những động tác trong ngôn ngữ múa thường nhẹ nhàng, êm dịu, thể hiện bản chất văn hóa của người dân tộc Thái là trữ tình. Khác với các dân tộc khác như dân tộc Mông có điệu múa ‘phi ngựa” mạnh mẽ, hay điệu “lên nương” lắc hông, vai như người Khơ mú... Từ điều này có thể nhận ra môi trường tạo ra những động tác để thể hiện ngôn ngữ múa của từng dân tộc. Mặt khác về ngôn ngữ nói, nhạc khí cũng cũng sự khác nhau. Âm nhạc của dân tộc Thái phát triển với nhiều loại sáo, nhị, phục vụ cho điệu múa với sự nhẹ nhàng đặc trưng, giữ được đúng bản chất trữ tình của dân tộc Thái.

PV: Hiện nay đang phổ biến một các hiểu là có nhiều loại xòe Thái như xòe vòng, xòe nón, xòe quạt...Cách hiểu này có chính xác không, thưa ông?

Nghệ nhân Mào Văn Ết: Gần đây cách nhà nghiên cứu cũng đã có nói về điêu này. Theo một số thông tin ở Nghĩa Lộ- Yên Bái đã khôi phục được 6 điệu múa cổ. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi khi đã tham khảo rất nhiều tài liệu cũng như ý kiến của các chuyên gia về múa, múa-xòe khi khôi phục được 6 động tác, có nhiều động tác múa đơn-xòe đơn và múa đôi- xòe đôi. Múa nón hay múa chai cũng không thể gọi là xòe được, vì kết cấu của múa có tình tiết, có mở bài thân bài và kết luận còn xòe thì không có những điều này. Điều này vẫn có nhiều người vẫn đang bàn luận, nhưng xét về mặt nghệ thuật thì múa và xòe không giống nhau. Nên từ đó có thể gọi là múa vòng, múa nón, múa quạt.

PV: Trong xu thế hội nhập và giao thoa văn hóa hiện nay, như nhiều nét văn hóa nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật xòe Thái cũng đứng trước nguy cơ mai một cũng như mất đi bản sắc do các yếu tố hiện đại, lai căng. Nghệ nhân có quan điểm như thế nào về vấn đề nêu trên?

Nghệ nhân Mào Văn Ết :Từ trước đến nay cũng có rất nhiều chủ trương đường lối từ trung ương đến địa phương về bảo tồn nghệ thuật múa xòe, tuy nhiên điệu xòe vẫn đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Vấn đề tự dân tộc đó bảo tồn nghệ thuật của mình vẫn chưa được thực hiện, và tuyền truyền để bảo tồn cũng vậy. Từ nghị quyết của nhà nước cho đến quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Muốn phát huy được thì cần phải bảo tồn, muốn bảo tồn trước tiên cần phải truyền dạy. Những vấn đề này hiện tại vẫn còn đang mơ hồ, chưa tìm được giải pháp.

1
Múa xòe là nét đẹp văn hóa trong các Lễ hội ở vùng Tây bắc

 

PV: Trong bối cảnh hiện nay, theo quan điểm cá nhân của nghệ nhân, chúng ta cần quan tâm tới điều gì và cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật xòe Thái?

Nghệ nhân Mào Văn Ết : Để gìn giữ phát huy nghệ thuật múa xòe nói riêng và di sản nghệ thuật các dân tộc Điện Biên nói chung, trước hết chúng ta cần xác định triển khai tốt nghị quyết của tỉnh, tìm ra giải pháp, mở ra những hội thảo chuyên sâu. Muốn xòe Thái phát triển sâu rộng và đi xa hơn nữa trong nước và quốc tế, cần có những chủ trương chính sách phù hợp. Nâng tầm quan trọng của di sản không chỉ là của dân tộc Thái Tây Bắc mà là di sản của quốc gia.

Việc bảo tồn và quảng bá điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái là việc làm hết sức cần thiết, góp phần lưu giữ, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh./.

PV: Xin cảm ơn ông.
 

 

Minh Trang

 

.