Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Điện Biên TV - Phần V trong Dự thảo Báo cáo chính trị: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ; phát triển nguồn nhân lực.
Trước hết phải khẳng định: Quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo (GD& ĐT) tiếp tục ngày càng được mở rộng. Hệ thống GD& ĐT từ cơ sở đến bậc đại học và dạy nghề được tổ chức lại một bước. Ngân sách chi cho GD& ĐT chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Về chất lượng GD& ĐT đã có chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, thiết bị cho GD & ĐT được tăng cường theo hướng hiện đại hóa. Chất lượng nguồn nhân lực đã có chuyển biến nhất định.
Tuy vậy chất lượng, hiệu quả GD& ĐT còn đạt thấp so với các nước ngay trong khu vực và trên thế giới. Việc đào tạo chưa gắn với yêu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Tình trạng học sinh tốt nghiệp "thất nghiệp" hoặc làm không đúng ngành nghề đào tạo còn lớn. Giá trị thực chất văn bằng đào tạo Việt Nam chưa tương xứng với thế giói... Đây là sự lãng phí về con người, của cải vật chất của xã hội. Về chất lượng nguồn nhân lực còn khoảng cách lớn so với yêu cầu trong quá trình phấn đấu trở để Việt Nam thành nước CNH - HĐH.
Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng: Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một bước đột phá chiến lược. Đây là cơ sở, nền tảng, yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tạo lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập và phát triển với thế giới. Để đất Việt Nam phát triển bền vững, thực hiện sự nghiệp CNH - HĐH, tôi xin đề xuất:
+ Làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức: Nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững hôm nay và mai sau. Từ đó chuyển thành chủ trương, chính sách, bằng kế hoạch, chương trình và hành động cụ thể của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong từng giai đoạn phù hợp.
+ Cùng với "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục", thì việc phát triển GD & ĐT phải xuất phát từ thực tế và yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác đối ngoại. Có như vậy mới không lãng phí "chất xám" qua đào tạo mà không được sử dụng; không lãng phí của cải vật chất Nhà nước, xã hội và gia đình đã đầu tư trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực.
+ Cần tiến hành tổng kiểm kê, già soát, đánh giá đúng số lượng, chất lượng và hiệu quả trong việc sử dụng nguồn nhân lực. Để từ đó có giải pháp khắc phục những yếu kém, đồng thời hoạch định các bước tiếp theo sắp xếp lại các trường, ngành, lĩnh vực, hệ thống, qui mô, chỉ tiêu, loại hình cần đào tạo cho thích hợp. Cần xây dựng hệ thống thông tin về "cung - cầu" nhân lực ở từng ngành, địa phương và phạm vi cả nước. Mặt khác để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa Việt Nam hiện nay với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, cần xem xét phát triển các trường đào tạo nhân lực có tính chất "mũi nhọn" ( trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại) để từng bước sánh đạt tiêu chí đào tạo với các nước tiên tiến ở khu vực và thế giới. Làm như vậy chính là góp phần tăng cường tiềm lực nhân lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vững vàng trước những biến động phức tạp, khó lường trên thế giới hiện nay.
+ Đảng, Nhà nước tiếp tục chủ động đẩy mạnh đối ngoại trong hội nhập phát triển nguồn nhân lực nhất là hợp tác với các nước tiên tiến, có kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực. Bởi hiện tại năng xuất lao động, sức cạnh tranh và chất lượng đào tạo của Việt Nam còn khỏang cách lớn nếu đem so với các nước tiên tiến trên thế giới. Để từ đó có chính sách, cơ chế thích hợp để thu hút, mời gọi những nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý giỏi, cùng các nguồn vốn từ bên ngoài vào đầu tư cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước./.
Đỗ Quang Khải.
Tổ Dân phố 3 phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ