Điều chỉnh các chỉ tiêu
Điện Biên TV - Về Dự thảo của Ban Chấp hành Trung ương về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
* Ý kiến tham gia về các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, môi trường trong Dự thảo báo cáo.
- Tại Mục III, phần 2 - Các chỉ tiêu chủ yếu về xã hội (trang 61) vẫn còn chung chung, cần cụ thể, rõ hơn nữa. Chỉ tiêu về môi trường, cụ thể là đến năm 2020, 95% dân cư thành thị và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là hơi cao so với tình hình thực tế hiện nay. Vì thực tế hiện tại, nguồn nước sạch của chúng ta đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường, nước thải sinh hoạt, phân bón, hóa chất, mưa lũ, sự phát triển nhanh của đô thị, khu công nghiệp và các làng nghề…; chính vì vậy mà tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch tại thành thị và nông thôn là rất thấp, đề nghị cần xem xét lại chỉ tiêu cho phù hợp.
* Ý kiến tham gia về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
- Về giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh và chỉ tiêu về cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 với 50% số xã đạt chuẩn theo ý kiến của cá nhân tôi tỷ lệ này là hơi cao. Đề nghị Trung ương cần căn cứ tình hình thực tế hiện nay để xem xét lại chỉ tiêu này.
* Ý kiến tham gia trong phần mục tiêu tổng quát.
- Trong phần mục tiêu tổng quát 5 năm tới theo ý kiến của cá nhân tôi không nên sử dụng từ “cơ bản” trong câu “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đề nghị xem xét GDP bình quân đầu người cả nước đến năm 2020 khoảng 3.200 – 3.500 USD là cao, vì hiện nay bộ phận người dân nông thôn chiếm đa số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị Trung ương nghiên cứu đưa ra mục tiêu đến năm 2020 GDP bình quân đầu người 3.000 – 3.200 USD là hợp lý./.
* Ý kiến tham gia về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Ở mục III, phần 2 (trang 12) - Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đề nghị: bỏ từ “theo hướng”. Cụ thể: “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại”. Bởi vì có như vậy thì mục tiêu phấn đấu mới rõ ràng hơn.
* Ý kiến tham gia về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
- Đề nghị: bổ sung thêm nhận định đối với công tác thi hành án. Bởi hoạt động tố tụng gồm 4 giai đoạn: Điều tra (cơ quan Công an), Truy tố (Viện kiểm sát), Xét xử (Tòa án) và Thi hành án (cơ quan Thi hành án). Trên thực tế, một bản án dù đã được điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, nghiêm minh, đúng pháp luật, nhưng nếu không được thực thi trên thực tế thì bản án đó cũng chỉ “nằm trên giấy”; trong khi đó, chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền - tức là pháp luật được tôn trọng và nghiêm chỉnh thực thi trên thực tế. Nên hoạt động thi hành án (bao gồm thi hành án hình sự và thi hành án dân sự) là đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đề nghị bổ sung và sửa đổi lại khổ 3, gạch đầu dòng (-) thứ 3, mục XIV (trang 31) như sau: “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp…Kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án, hoạt động của luật sư và các tổ chức bổ trợ tư pháp”.
* Ý kiến tham gia về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
- Ở mục XV, phần 2 - Phương hướng, nhiệm vụ, tại gạch đầu dòng (-) thứ tám: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác Dân vận, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đề nghị: bỏ từ “máu thịt” và thay bằng từ “mật thiết”. Cụ thể: “ Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”./.
Phạm Thị Hà
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Điện Biên