Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược
Điện Biên TV - Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu: "... Đại đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ".
Từ nghiên cứu Dự thảo và tình hình thực tế, bản thân xin tham gia ý kiến như sau:
Thứ nhất: Trước những diến biến hết sức phức tạp, khó lường của tình hình thế giới hiện nay, để vừa xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, trước hết phải tiếp tục làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, thông qua việc tuyên truyền, giáo dục, học tập để cán bộ, đảng viên, đồng bào nhận thức đầy đủ: Đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán, xuyên suốt. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch là vấn đề sống còn của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng. Đó là vấn đề then chốt của thành công và quyết định sự thành công của cách mạng. Đây là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam trên cơ sở Chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định. Vì vậy chúng ta càng phải không ngừng chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ hai: Căn cứ vào điều kiện địa lý tự nhiên, xuất phát điểm từng vùng, từng miền, từng dân tộc mà Đảng, Nhà nước tiếp tục có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Từ vị trí chiến lược của vùng Tây Bắc, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc, nhất là vùng cao, biên giới - " phên dậu" thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện tại đời sống kinh tế của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn: Tỷ lệ hộ đói nghèo cao, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội còn khỏang cách khá xã so với vùng trung du và đồng bằng. Vì vậy Đảng, Nhà nước, UBDT của Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc...cần kiểm kê, đánh giá đúng thực trạng, toàn diện về mọi mặt. Từ đó bổ sung, hoàn thiện và phát huy hiệu quả các chủ trương, chính sách, các chương trình dự án ( Kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội) cho phù hợp. Quá trình đầu tư cần khảo sát, lắng nghe ý kiến nhân dân. Tránh đầu tư dàn trải, hoặc đầu tư nhưng hiệu quả sử dụng không cao.
Thứ ba: Cùng với sử dụng người có uy tín, để tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, cần ưu tiên tuyển dụng, sử dụng sinh viên, học sinh người dân tộc tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, trung học phổ thông dân tộc nội trú. Nhà nước có cơ chế, chính sách sử dụng thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự về tham gia công tác địa phương, để tạo nguồn cán bộ cho Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã, bản.
Tăng cường tuyển thanh niên dân tộc, đủ tiêu chuẩn để nhập ngũ, tuyển dụng bổ sung vào lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an nhân dân. Bởi chính họ là người cùng ngôn ngữ, hiểu, nắm vững điều kiện địa lý, văn hóa, phong tục, tập quán, tâm lý dân tộc. Làm được như vậy sẽ sâu sát, gần dân hơn, nắm tình hình cơ sở tốt hơn, thuận lợi và hiệu quả hơn trong giáo dục, thuyết phục, vận động để xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Tăng cường củng cố niềm tin nhân dân với Đảng. Đồng thời họ vừa là người của Đảng để hướng dẫn đồng bào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Thứ tư: Các cấp ủy Đảng, cơ quan làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, chủ động đấu tranh, phản bác vạch trần âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực kẻ địch. Bởi thực tế hiện nay kẻ địch đang lợi dụng trình độ dân trí, sự nhẹ dạ cả tin, đời sống đồng bào còn khó khăn sau bao năm theo cách mạng. Hoặc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, không sâu sát cơ sở của cán bộ để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc./.
Đỗ Quang Khải
Tổ 3 , P. Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ.