WHO tìm hiểu mối liên hệ giữa COVID-19 và bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em

Thứ Tư, 11/05/2022, 14:32 [GMT+7]

Ngày 10/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã xác định 348 ca bệnh có thể mắc viêm gan không rõ nguồn gốc trên toàn thế giới.

1
(Ảnh minh họa: Getty)

Con số trên được đưa ra bối cảnh nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu vai trò của virus adeno và lây nhiễm COVID-19.

Chuyên gia Philippa Easterbrook thuộc chương trình viêm gan toàn cầu của WHO phát biểu tại buổi họp báo cho biết, trong tuần qua đã có nhiều tiến triển quan trọng, với các cuộc điều tra sâu hơn và một số sàng lọc rõ ràng về các giả thuyết về nguyên nhân của bệnh.

Theo bà Easterbrook, Anh đã điều phối một loạt nghiên cứu về di truyền học ở những em nhỏ mắc bệnh, phản ứng miễn dịch, virus cũng như nghiên cứu về dịch tễ sâu hơn.

Giả thuyết hàng đầu về nguyên nhân của bệnh viêm gan bí ẩn hiện nghiêng về phía virus adeno dù vẫn có sự cân nhắc đáng kể về vai trò của COVID-19 như một bệnh đồng nhiễm hoặc từng mắc trước đó. Cụ thể, các xét nghiệm sâu hơn trong tuần qua đã xác nhận khoảng 70% số ca mắc có kết quả dương tính với virus adeno, loại phổ biến thường liên quan đến chứng viêm dạ dày.

Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy, khoảng 18% dương tính với COVID-19. Dự kiến các nghiên cứu trong tuần sau sẽ tập trung tìm hiểu về những lần phơi nhiễm và mắc COVID-19 ở các ca bệnh.

1
Khoảng 70% số ca mắc viên gan bí ẩn trong tuần qua có kết quả dương tính với virus adeno. (Ảnh: Adobe Stock.)

Trong khi WHO không đề cập đến bất kỳ mối liên hệ nào giữa bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em với vaccine ngừa COVID-19, các cơ quan y tế của Anh cũng cho biết, rõ ràng "không có bằng chứng về sự liên kết với vaccine ngừa COVID-19, đa số các trường hợp viêm gan dưới 5 tuổi còn quá nhỏ nên chưa được tiêm vaccine".

Tình hình cũng tương tự ở Mỹ, nơi hầu hết trong số 109 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan không đủ điều kiện để tiêm chủng vaccine COVID-19.

Vào ngày 22/4, một trang web từng lan truyền thông tin sai lệch về sức khỏe trước đây đã đăng bài báo trích dẫn các phát hiện của WHO và nói rằng, nghiên cứu của chính hãng dược phẩm Pfizer cho thấy, vaccine mRNA tích tụ trong gan và gây ra bệnh viêm gan. Tuy nhiên, khẳng định được đưa ra trong bài báo là không đúng sự thật.

Vào đầu tháng 4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã báo cáo sự gia tăng đột biến số trường hợp viêm gan ở trẻ em. Đây được coi là một chứng viêm gan bí ẩn và không phát hiện được virus thường gây ra tình trạng này, theo Reuters.

Đến nay đã có 20 quốc gia xác nhận các trường hợp viêm gan bí ẩn ở trẻ em, với 70 ca bổ sung ở 13 quốc gia đang chờ hoàn tất các xét nghiệm cuối cùng để xác định.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/who-tim-hieu-moi-lien-he-giua-covid-19-va-benh-viem-gan-bi-an-o-tre-em-202205111127163.htm

 

 

Theo VTV

 

.