Căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc leo thang trên mọi "mặt trận"

Thứ Năm, 25/07/2019, 06:31 [GMT+7]

Bất đồng Nhật-Hàn vốn tồn tại đã lâu trong quan hệ 2 nước, nhưng việc các vụ việc xảy ra đồng thời và không có dấu hiệu hạ nhiệt khiến dư luận lo ngại.

Nhật Bản đang có kế hoạch loại bỏ Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” - danh sách các quốc gia được miễn trừ tối đa các hạn chế thương mại của nước này. Nếu được thực hiện, đây sẽ là bước đi làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng, vốn đang căng như dây đàn vì bất đồng kinh tế, thương mại và cả tranh chấp lãnh thổ, ngoại giao.
 

1
Phong trào tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Dự kiến Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định có loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng hay không, sau khi tổng hợp và đánh giá ý kiến công chúng. Bộ Kinh tế Thương mại Công nghiệp Nhật Bản cho biết đã nhận được hơn 10.000 ý kiến, trong đó đa số ý kiến ủng hộ việc loại Hàn Quốc khỏi danh sách.  Danh sách trắng các quốc gia được được miễn trừ tối đa các hạn chế thương mại của Nhật Bản, bao gồm 27 quốc gia trong đó có Mỹ, Đức, Anh và Hàn Quốc…

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc hôm nay (24/7) ngay lập tức phản đối kế hoạch này, cho rằng loại bỏ Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” là một vấn đề nghiêm trọng, làm suy yếu mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh giữa hai nước. Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản huỷ bỏ kế hoạch này.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo cho biết: “Việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc là không có cơ sở và nên được dỡ bỏ ngay lập tức. Việc sửa đổi luật xuất khẩu và thương mại, trong đó có kế hoạch đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng cần phải loại bỏ ngay. Việc rút Hàn Quốc khỏi danh sách trắng là đi ngược lại các quy chuẩn quốc tế và chúng tôi lo ngại các tác động nghiêm trọng đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại tự do”.

Bước đi của Nhật Bản nếu được thực hiện sẽ là một nấc thang căng thẳng thương mại mới giữa hai quốc gia láng giềng này, sau khi Nhật Bản áp dụng hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Vụ việc đang được đưa lên Tổ chức Thương mại thế giới giải quyết. Theo phía Hàn Quốc, bản chất kế hoạch hạn chế thương mại của Nhật Bản nhằm gây sức ép giải quyết mâu thuẫn về vấn đề lao động thời chiến. Tuy nhiên, Nhật Bản luôn khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh.

Trong bối cảnh hai bên vẫn chưa hạ nhiệt được bất đồng liên quan đến tranh cãi kinh tế thương mại, tranh chấp lãnh thổ lại tiếp tục đổ dầu vào những căng thẳng hiện nay. Tranh cãi nổ ra khi máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga bay trên khu vực eo biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng các máy bay đi vào vùng nhận diện phòng không của nước này và đã thực hiện bắn cảnh cáo, đồng thời trao công hàm phản đối chính thức tới Nga về vụ việc.

Khu vực mà Hàn Quốc gọi là Vùng nhận diện phòng không của nước này nằm trên hòn đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo. Nhật Bản ngay lập tức phản đối tuyên bố của Hàn Quốc, cho rằng nước này mới có quyền hành động nhằm vào máy bay Nga.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố: “Ngay sau khi xác định vụ việc, thông qua các kênh ngoại giao chúng tôi đã bày tỏ phản đối với cả Nga và Hàn Quốc, yêu cầu tránh lặp lại các hành động tương tự. Lập trường của Nhật Bản về quần đảo Takeshima là rõ ràng và đáng tiếc là máy bay quân sự  Hàn Quốc lại thực hiện bắn cảnh cáo. Đây là điều không thể chấp nhận được”.

Phía Nga và Trung Quốc hiện đều khẳng định không vi phạm không phận của bất kỳ nước nào.

Mặc dù những bất đồng hiện nay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vốn là các vấn đề gai góc tồn tại đã lâu trong mối quan hệ hai nước, nhưng việc các vụ việc xảy ra đồng thời và không có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến dư luận lo ngại. Hiện cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều bày tỏ mong muốn hợp tác để giải quyết bất đồng.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga cho rằng, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang trong trạng thái “rất nghiêm trọng” và kêu gọi Hàn Quốc có hành động hợp lý nhằm giải quyết một số vấn đề đang làm tổn hại mối quan hệ song phương. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee cũng đang có chuyến thăm Mỹ, với hy vọng Mỹ đứng ra làm hòa giải, hạ nhiệt căng thẳng giữa hai đồng minh quan trọng trong khu vực./.

 

 

Theo Phạm Hà/VOV

.