Xét xử vụ vỡ ống nước Sông Đà: Ống "khuyết tật" vẫn được thi công

Thứ Ba, 06/03/2018, 15:35 [GMT+7]

Đại diện giám định viên cho rằng qua kiểm tra cho thấy 40 đoạn ống khuyết tật nhưng vẫn được thi công, mẫu ống tại hiện trường qua kiểm tra không đạt.
 
 40 đoạn ống khuyết tật nhưng vẫn được thi công

Sáng 6/3, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố vỡ ống nước Sông Đà, tiếp tục với phần hỏi những người liên quan.
 

1
Đại diện giám định viên nêu nguyên nhân vỡ đường ống nước Sông Đà


Tại tòa, đại diện phía giám định viên cho biết, quá trình thi công xây dựng, nhà thầu chưa kiểm tra chất lượng ống, chưa thử nghiệm độ bền dài hạn… Kết luận này được dựa trên hồ sơ cơ quan điều tra cung cấp và kết quả kiểm tra hiện trường tại vị trí những hố bị vỡ.

Trong giai đoạn thi công lắp ống cốt sợi thủy tinh không có biên bản kiểm tra. Qua kiểm tra cho thấy có 40 đoạn ống khuyết tật nhưng vẫn được thi công. Đơn vị giám định đã lấy một đoạn ống tại hiện trường để kiểm tra thấy không đạt yêu cầu. Trên biên bản, hồ sơ lưu trữ không thấy nhà thầu có ghi nhận để khắc phục.

Theo quy định, sau khi lắp đặt ống nhà thầu phải thử lắp đặt tĩnh nhưng do áp lực tiến độ thì nhà thầu, ban quản lý đã cho lắp đặt toàn bộ tuyến ống.

Đại diện tổng công ty nêu quan điểm, dự án có 8 hạng mục chính, tổng đầu tư 1.450 tỷ đồng, thỏa mãn dự án loại A. Hình thức đầu tư BOO (xây dựng, sở hữu và kinh doanh). Nguồn vốn từ doanh nghiệp và vay các tổ chức tín dụng, không dùng ngân sách.

Lãi 116 tỷ đồng, trong khi thiệt hại là 16,6 tỷ đồng, số giờ mất nước của người dân là 0,56%. Nếu phân tích mặt lượng thì không quá lớn so với lượng nước đã cung cấp.

Đại diện Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà nêu quan điểm: Khi thành lập Vinaconex chiếm 100% cổ phần nhưng hiện đã bán hoàn toàn cổ phần. 23 ống bị vỡ chi phí khắc phục hơn 16,6 tỷ đồng.

Trong quá trình tiếp nhận, quản lý khai thác tuyến ống, đơn vị đều tuân thủ theo quy trình vận hành, bảo trì được phê duyệt, luôn trong tình trạng khai thác dưới mức công suất cho phép, 220.000m3/ ngày đêm.

Trong vụ án này, Công ty cổ phẩn Vinaconex thấy do đây là dự án đầu tiên áp dụng công nghệ mới nên khó tránh khỏi sự cố. Từ đó, HĐQT đã ra quyết định 08 nhất trí không yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải khắc phục thiệt hại do đường ống vỡ xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Tuân (HĐQT Vinaconex 2004 - 2008) trình bày, sau khi tiếp cận sản xuất đã cử đoàn đi khảo sát, đánh giá, tham gia các hội nghị để trao đổi việc thay đổi vật liệu làm đường ống trên cơ sở phân tích đầy đủ hiệu quả, tính năng của một vất liệu mới. Thời điểm đó, trong nước chưa đủ năng nực để làm. Vì vậy, đơn vị đã đẩy mạnh việc học tập, sản xuất để làm loại vật liệu mới này. Đồng thời, hy vọng sản xuất phục vụ các dự án trong nước, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.

Các bị cáo phải nhận thức cái sai của mình

Trước đó, trong buổi thẩm vấn chiều 5/3, HĐXX cho rằng các bị cáo thành khẩn khai báo nhưng cũng cần phải nhận thức được phần việc làm sai của mình.

Các bị cáo cho rằng bản thân làm đúng quy trình, không đến mức như cáo trạng nêu. Trước câu trả lời của các bị cáo, chủ tọa phiên tòa đặt ra câu hỏi "Đến giờ các bị cáo khẳng định mỉnh không làm sai thì sai sẽ chịu trách nhiệm về 18 lần vỡ ống nước?

1
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm sáng 5/3.


Trình bày trước tòa, ông Hoàng Thế Trung (cựu giám đốc Ban quản lý Dự án) cho rằng: “Kết luận điều tra, giám định cho rằng chiều dày của ống do nhà sản xuất quyết định nhưng vẫn lồng trách nhiệm của ban quản lý vào đó. Việc quy kết Ban quản lý phải chịu trách nhiệm là không đúng”.

Ông Nguyễn Văn Khải (cựu phó giám đốc Ban quản lý dự án) cho rằng cần xem xét sự việc một cách toàn diện hơn. "Việc vỡ ống không phải do nguyên nhân chất lượng ống mà còn nhiều vấn đề khác chưa làm rõ trong vụ án này. Kết luận điều tra dựa trên kết luận giám định và nội dung cáo trạng là không đúng".

Ông Nguyễn Văn Khải cũng yêu cầu làm rõ kết luận giám định: “Mong HĐXX xem xét khách quan tất cả nguyên nhân làm vỡ ống. Ống sợi thủy tinh là ống đầu tiên sử dụng tại Việt Nam, chủ đầu tư, bên thiết kế thi công chưa có kinh nghiệm nên rất dễ có sự nhầm lẫn giữa các bên”.

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, vật liệu chính của tuyến ống ban đầu được chủ đầu tư dự án là Vinaconex lựa chọn dùng ống gang dẻo. Nhưng sau đó đã được HĐQT Vinaconex quyết định thay đổi bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh.

Sau khi thay đổi, HĐQT quyết định ban hành các quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án do đơn vị thiết kế dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Vinaconex lập. Trong đó, đã lựa chọn, phê duyệt áp dụng tiêu chuẩn sản xuất và thử nghiệm ống composite cốt sợi thủy tinh cung cấp cho Dự án theo Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950–01 của Hiệp hội Công trình thủy điện Hoa Kỳ. Đây cũng là tiêu chuẩn xây dựng chủ đầu tư dự án phê duyệt áp dụng trong dự án./.

 

 

Theo Lê Tùng/VOV.VN

.