Giá thức ăn chăn nuôi vì sao vẫn ở mức cao

Thứ Bảy, 04/02/2023, 16:03 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hơn hai năm qua, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh, duy trì ở mức cao và đến nay vẫn chưa ghi nhận lần giảm giá nào. Vấn đề này càng "nóng" hơn khi đây là thời gian cao điểm để các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tái đàn gia súc, gia cầm sau dịp Tết Nguyên đán. Vậy nguyên nhân nào khiến cho giá thức ăn chăn nuôi trên cả nước và tại tỉnh Điện Biên vẫn chưa giảm sau thời gian dài?

Theo khảo sát tại một số cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, hiện nay, mức giá mặt hàng này đã tăng chênh lệch vào khoảng 40% đến hơn 50% so với cuối năm 2020. Có thời điểm trong năm 2022, giá cả tăng liên tục, gần như tháng nào cũng có một đợt tăng giá, lần ít từ 200 - 300 đồng/kg, lần tăng nhiều cũng lên tới hơn 1.000 đồng/kg.

Hiện nay, thức ăn hỗn hợp dành cho lợn thịt loại 25 kg có giá 340 - 360 nghìn đồng, tùy loại; hỗn hợp ngũ cốc dạng viên dành cho lợn thịt có giá 460 nghìn đồng bao 40 kg; thức ăn hỗn hợp dành cho vịt, ngan loại 25 kg có giá 330 - 360 nghìn đồng...

1
Giá nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong thời gian qua.

Thức ăn chăn nuôi tăng giá quá cao dẫn đến việc các trang trại, gia trại phải điều chỉnh giảm đàn và lượng tiêu thụ tại các cửa hàng cũng giảm mạnh. “Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi không giảm, vẫn giữ nguyên như cũ. Người chăn nuôi cũng nuôi ít đi, xuất ra cũng ít mà nhập vào cũng ít hơn do không bán được. Lượng tiêu thụ của cửa hàng tôi bị giảm đi khoảng 50% so với trước đây.” - một chủ cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi cho biết.

Nguyên nhân của việc giá các loại thức ăn chăn nuôi chưa thể giảm, theo các đầu mối nhập hàng trên địa bàn tỉnh là do: Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 35% nguồn cung mặt hàng này trong nước, còn lại phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Trong khi đó, giá cả các loại nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như: ngô, đậu tương, lúa mì... đang ở mức cao.

“Từ đầu năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng dần và đến nay vẫn giữ nguyên không giảm. Thời gian tới có lẽ cũng chưa giảm được vì giá nguyên vật liệu vẫn tăng, đậu tương tăng, ngô tăng... nên giá vẫn sẽ cao.” - chị Trần Thị Nguyệt, thôn Đông Biên 3, xã Thanh An, huyện Điện Biên, nhận định.

Giá thức ăn tăng kéo theo chi phí sản xuất đầu vào tăng, trong khi giá thành sản phẩm giảm; tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thời điểm này còn nhiều phức tạp khiến người chăn nuôi lo lắng, ngại đầu tư tái đàn.

 

 

Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN

 

.