Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Mường Ảng

Thứ Tư, 13/07/2022, 09:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hưởng ứng chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi diện tích vườn tạp để đầu tư trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả đã và đang từng bước được bà con nông dân tỉnh Điện Biên thực hiện khá hiệu quả. Trong đó, huyện Mường Ảng được đánh giá là một trong những địa phương điển hình.

Nằm trong khu vực có điều kiện khí hậu phù hợp để phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, từ năm 2018, huyện Mường Ảng đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện hiệu quả các dự án liên kết trồng cây ăn quả.

Trong đó, tập trung phát triển các loại cây trồng chính: cam, bưởi da xanh và xoài Đài Loan. Chỉ trong vài năm diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Mường Ảng tăng nhanh. Đến nay toàn huyện đã có gần 400ha cây ăn quả, trong đó hơn 100ha đã cho thu hoạch từ năm 2021.

Năm 2022 này, dự kiến diện tích cây ăn quả cho thu hoạch của huyện Mường Ảnh sẽ tăng lên khoảng gần 200ha. Theo đó, bức tranh nông nghiệp của huyện Mường Ảng thời gian qua cho thấy rõ sự chuyển đổi mạnh mẽ, vượt bậc trong quá trình sử dụng đất.

1
Các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được nông dân Mường Ảng ưu tiên lựa chọn đưa vào trồng.

Qua đánh giá, việc khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường vào sản xuất chuyên canh, đang từng bước giúp các hộ dân trên địa bàn huyện Mường Ảng nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Quy mô chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số địa phương còn mang tính thời vụ, chưa bền vững và còn nhỏ lẻ manh mún, thiếu tính liên kết vùng tập trung, quy mô lớn. Ngoài ra, sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít. Năng lực tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ của nông dân cũng còn hạn chế. Đây là những trở lực ảnh hưởng đến hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng: Để khắc phục điều này, trong thời gian tới, huyện Mường Ảng sẽ giảm dần diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả chuyển đổi sang phát triển cây ăn quả, với quy mô diện tích khoảng 1.000 ha. Việc trồng cây ăn quả cũng sẽ được tổ chức theo hướng tập trung, tạo ra những sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn, liên kết theo vùng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

1
Thời gian tới, huyện Mường Ảng sẽ giảm dần diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả chuyển đổi sang phát triển cây ăn quả.

Cùng với đó, huyện Mường Ảng sẽ tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ dân, trang trại, hợp tác xã với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị để sản phẩm nông sản có đầu ra đa dạng, bền vững.

Đồng thời xây dựng các vùng chuyển đổi cây trồng gắn kết với các các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản; đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản gắn với Chương trình OCOP kết hợp tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đưa hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương ngày càng phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn./.

 

 

Ngọc Thượng - Văn Hùng/DIENBIENTV.VN
 

.