Xăng dầu tăng cao - Vận tải gặp khó

Thứ Bảy, 23/04/2022, 16:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chưa kịp phục hồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh lại phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá xăng, dầu tăng cao.

1

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 9 đợt điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng giá liên tiếp. Lần điều chỉnh gần đây nhất vào 15h ngày 21/4, Liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định tiếp tục tăng giá bán lẻ xăng dầu.

Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 660 đồng, RON 95 tăng 680 đồng và dầu tăng 800 - 970 đồng một lít. Sau điều chỉnh, hiện giá bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Điện Biên như sau:

- Xăng E5 RON 92 có giá 27.670 đồng/ lít,

- Xăng RON 95 có giá 28.540 đồng/ lít;

- Dầu diesel có giá bán 26.670 đồng/ lít.

Giá xăng, dầu tăng đã tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long Điện Biên với  gần 200 đầu xe kinh doanh vận tải hành khách, vận tải du lịch, taxi. Hoạt động của công ty chưa kịp phục hồi do ảnh hưởng của dịch thì nay giá xăng dầu tăng cao khiến doanh nghiệp nhiều khi phải bù lỗ để duy trì tuyến.

1
Chưa thể phục hồi do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận tải tiếp tục gặp khó do giá xăng dầu liên tục tăng cao thời gian gần đây.

“Giá xăng dầu càng ngày càng tăng nên rất khó khăn cho Công ty. Nhiều chuyến xe phải bù giá. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của người lao động trong Công ty. Chung tôi rất mong Nhà nước có những điều chỉnh hợp lý để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.” - ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long chia sẻ.

“Xăng lên giá khiến hoạt động vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây chúng tôi chạy 1 chuyến Hà Nội - Hải Phòng chỉ mất 7 triệu tiền dầu, giờ mất 11, 12 triệu; không những vậy do dịch bệnh nên nhu đi lại của người dân giảm sâu khiến doanh thu sụt giảm rất nhiều.” - anh Tạ Trung Lý, nhà xe Lý Nghĩa nói.

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải gặp khó mà đối với những ngành nghề phụ thuộc vào nhiên liệu như xe ôm, taxi, xe tải cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Hơn 15 năm gắn bó với nghề xe ôm, chưa bao giờ cuộc sống mưu sinh với ông Nguyễn Phú Toàn lại chật vật như hiện nay. Lượng khách di chuyển vốn đã ít thì nay giá xăng tăng cao khiến công việc của ông lại càng khó khăn hơn.

1
Mưu sinh bằng nghề xe ôm nhưng có những khi 2,3 ngày ông Nguyễn Phú Toàn không có nổi một cuốc xe. Chỉ riêng việc đi đi, về về cũng đã hao xăng.

“Xe ôm thì vất vả lắm, khách ít, xe nhiều, xăng tăng. Trước tôi cứ đổ 20 nghìn/lít giờ hơn 28 nghìn đồng/lít, trong khi giá một cuốc xe thì chỉ ở mức nhất định không tăng được. Xăng thì tăng, khách thì ít mà không đi không được; có khi 2, 3 ngày tôi không thu được đồng nào cứ đi đi về về như vậy.” - ông Nguyễn Phú Toàn chia sẻ. 

Giá xăng dầu tăng cao đã tác động trực tiếp đến các đơn vị kinh doanh vận tải, sản xuất và phân phối hàng hóa. Trước những khó khăn nêu trên,  bên cạnh những giải pháp quan tâm, hỗ trợ  doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thì vấn đề đảm bảo kinh doanh cung ứng hàng hóa, nhất là mặt hàng xăng dầu, cũng cần quan tâm thực hiện.

Theo đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại tất cả các cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh xăng dầu ký cam kết chấp hành nghiêm quy định trong kinh doanh, tránh tình trạng đầu cơ găm hàng, trục lợi./.

 

 

Nguyễn Hằng - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN
 

.