Kinh tế phục hồi gần như trước đại dịch

Chủ Nhật, 10/04/2022, 20:52 [GMT+7]

Chính phủ nhận định tình hình kinh tế - xã hội quý 1 năm nay khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Một số lĩnh vực đạt tăng trưởng tiệm cận mức tăng trước đại dịch.

Trong tuần qua, phiên họp thường kỳ Chính phủ đã diễn ra, nhằm đánh giá lại các kết quả đạt được trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm của kinh tế - xã hội, cũng như có những định hướng, giải pháp cho thời gian tới.

Đáng chú ý, Chính phủ nhận định tình hình kinh tế - xã hội quý 1 năm nay khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Một số lĩnh vực đạt tăng trưởng tiệm cận mức tăng trước đại dịch, nhấn mạnh của báo Thanh Niên.

Theo tờ báo, một trong những con số đáng chú ý là số doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường đạt kỷ lục với 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ. Trong đó riêng tháng 3, số doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 96 % với số vốn đăng ký tăng hơn 127%.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp

Con số tăng trưởng GDP quý 1 đạt 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 là 4,72% là số liệu đã được công bố từ tuần trước. Lạm phát được kiểm soát. Đây là những tín hiệu lạc quan cần duy trì.

1
Tình hình kinh tế - xã hội quý 1 năm nay khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo báo Sài Gòn giải phóng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra yêu cầu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bám sát tình hình diễn biến thế giới và trong nước để đảm bảo các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.

Lạm phát thế giới "phi mã", Việt Nam có thể kìm giữ dưới 4%

Phân tích của tờ Lao động cho rằng, Việt Nam kiềm chế tốt lạm phát trong bối cảnh lạm phát thế giới đang nóng lên. Lý do là bởi lương thực, thực phẩm chiếm 28% tỷ trọng trong rổ hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam, đây lại là nhóm hàng mà Việt nam luôn được đảm bảo sản xuất và giữ nguồn cung ứng dồi dào, thậm chí một số mặt hàng giảm giá sâu.

Theo bình luận của báo Thanh Niên, dù còn nhiều việc phải làm liên quan đến các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thiết thực hơn, nhanh hơn, điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với tình hình mới, kiểm soát bão giá… để tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong thực thi chính sách, nhưng với những tín hiệu lạc quan vừa qua, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới.

Quý 1 đã khởi sắc, làm gì để cả năm bứt phá?

Vậy với quý 1 đã có những con số khởi sắc như vậy, công việc tiếp theo, ngoài tiếp tục giữ vững bình ổn vĩ mô thì Chính phủ sẽ tập trung vào những giải pháp nào? Đây là câu hỏi đặt ra trên tờ Thời báo Ngân hàng. Trong đó các chuyên gia nhấn mạnh tới việc sớm triển khai Chương trình phục hồi như một gói giải pháp quan trọng để trợ lực cho kinh tế.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình chưa được như mong đợi và nếu chậm có thể tác động đến hiệu quả thực hiện, vì vậy phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm các bộ, ngành cần thực hiện trong thời gian tới.

Không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công: Kiểm điểm người đứng đầu

Trong việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, quan trọng nhất là phải đẩy nhanh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công. Đây cũng là nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong hội nghị với Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương diễn ra trong tuần.

Theo báo Sài Gòn giải phóng, một thông điệp kiên quyết được người đứng đầu Chính phủ đưa r là nếu không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ kiểm điểm người đứng đầu. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ phê bình nghiêm khắc 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương đến ngày 30/3 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao, 29 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm nay.

Vì sao "tiêu tiền" nhà nước chậm?

Trong khi đó, trong bài "Vì sao "tiêu tiền" nhà nước chậm?", báo Giao thông cho rằng cần rà soát các luật liên quan có chồng chéo gì để bổ sung, chỉnh sửa, trong đó hướng đến tầm nhìn xa; bên cạnh đó, cần tách biệt chuẩn bị dự án ra khỏi quy trình thực hiện đầu tư để các địa phương và bộ, ngành có chi phí riêng thực hiện dự án, đủ thời gian để lựa chọn dự án hiệu quả.

Cùng với thông điệp về quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, một nội dung nữa được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tới đây là phải Quyết liệt chống tiêu cực trong chứng khoán, bất động sản. Đây sẽ là những nền tảng xây dựng kỷ cương, làm nên nội lực cũng như củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu tư vào nền kinh tế.

Link: https://vtv.vn/kinh-te/kinh-te-phuc-hoi-gan-nhu-truoc-dai-dich-20220410101054227.htm

 

 

Theo VTV

 

.