Nâng cao chất lượng mủ cao su để xuất khẩu

Thứ Hai, 10/05/2021, 16:06 [GMT+7]

Điện Biên TV – Cao su được xác định là một trong những loại cây hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi cho cuộc sống của người dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Sau gần chục năm trồng, chăm sóc, cách đây 4 năm một số diện tích cây cao su đã đến kỳ cạo mủ. Cho đến nay, theo đánh giá của Công ty cổ phần Cao su Điện Biên thì sản lượng mủ cao su đảm bảo chất lượng và số lượng vượt kế hoạch giao. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực triển khai nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng mủ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần vào hội nhập kinh tế quốc tế.

d
Trong tổng số 5.131ha cây cao su hiện có, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên và Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé tiến hành cạo mủ được gần 3.200ha, sản lượng đạt 3.262 tấn mủ quy khô.

Chính thức triển khai trên địa bàn Tây Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên, cách đây hơn 10 năm, cây cao su đã sinh trưởng và phát triển lớn mạnh, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của khí hậu vùng Tây Bắc. Trong tổng số 5.131ha cây cao su hiện có, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên và Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé đã tiến hành cạo mủ được gần 3.200ha, sản lượng đạt 3.262 tấn mủ quy khô, năng suất đạt 1,25 tấn/ha. Hầu hết số mủ này được các đơn vị chuyển vào nhà máy tại tỉnh Tây Ninh để chế biến và xuất khẩu.

Để có được sản phẩm mủ cao su đạt chất lượng, các đơn vị đã thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ các khâu làm cỏ, bón phân, phun thuốc, cạo, thu gom mủ, có kho để sản phẩm trước khi vận chuyển đến nhà máy. Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Điện Biên cho biết: “Chất lượng mủ của cao su Điện Biên là chất lượng mủ đạt quy trình khá tốt. Những năm vừa qua, chúng tôi đã chế biến tại Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh và đã bán cho đối tác nước ngoài, đã xuất khẩu Châu Âu và Mỹ. Như vậy, chất lượng và năng suất cao su Điện Biên cũng đáp ứng yêu cầu của quá trình triển khai dự án.”

Hiện nay, toàn bộ những diện tích đã mở cạo mủ đều được Công ty quán triệt để người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khai thác như: Màng chắn nước mưa, máng che bát để đựng mủ, không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào mủ cao su và không để tạp chất lẫn vào mủ.

d
Công ty cổ phần Cao su Điện Biên đã lập hồ sơ, tổ chức khảo sát để xây dựng nhà máy chế biến mủ theo tiêu chuẩn ISO, phục vụ việc xuất khẩu bền vững.

Song song với đó, các đơn vị luôn chú trọng việc nâng cao tay nghề cho người lao động, bởi trên 90% công nhân là người dân địa phương nên việc tiếp cận kỹ thuật khai thác mủ không phải là dễ. Do vậy, các nông trường, đội sản xuất thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cạo mủ, tổ chức thi giữa các đội, lựa chọn được những công nhân có kỹ thuật tham gia các cuộc thi của khu vực. Từ đó, góp phần nâng cao tay nghề cho người lao động, đảm bảo yêu cầu khắt khe của việc cạo mủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Tập đoàn công nghiệp Cao su đề ra.

“Đến nay, số lao động của Nông trường Cao su Điện Biên có 250 cán bộ, công nhân viên và người lao động, trong đó 230 là người lao động dân tộc địa phương. Qua từng năm thì tay ngề của người lao động được nâng cao rõ rệt lên, phản ánh qua sản lượng khai thác của người dân đạt được. Chúng tôi thấy, người lao động địa phương khai thác đảm bảo đúng quy trình khai thác mủ cao su cho Tập đoàn.” - Ông Nguyễn Văn Anh - Giám đốc Nông trường Cao su Điện Biên cho biết.

Qua đánh giá, sản phẩm mủ cao su Điện Biên cơ bản đều đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng mủ theo quy định của Tập đoàn. Tuy nhiên, sản phẩm mủ cao su của Điện Biên chủ yếu vận chuyển để chế biến tại Tây Ninh và một phần ở nhà máy tại Sơn La. Do vậy, để giảm giá thành và tăng lợi nhuận cho đơn vị cũng như người dân, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên đã lập hồ sơ, tổ chức khảo sát để xây dựng nhà máy chế biến mủ theo tiêu chuẩn ISO, phục vụ việc xuất khẩu bền vững.

Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Điện Biên cho biết thêm: “Khi xây dựng nhà máy chế biến cao su ở Điện Biên thì chúng tôi phải xây dựng theo tiêu chuẩn và nhãn hiệu riêng của cao su Điện Biên. Có kế hoạch xây dựng cao su Điện Biên phải đạt tiêu chuẩn 112, tiêu chuẩn này cao hơn tiêu chuẩn của Việt Nam. Hiện nay, theo tiêu chuẩn này thì giá bán tốt hơn và cũng được ưa chuộng hơn. Đây là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ mà các công ty thành viên cũng như Công ty cổ phần Cao su Điện Biên phải phấn đấu.”

Khi dòng vàng trắng ở Điện Biên bước vào chu kỳ khai thác ổn định về số lượng và chất lượng, đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu bền vững sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và người dân góp đất trồng cao su, đóng góp quan trọng vào GDP của tỉnh trong giai đoạn hội nhập như hiện nay./.

 

 

Anh Thu-Tiến Thành/DIENBIENTV.VN

 

.