"Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục và chi trả các chương trình an sinh xã hội"

Thứ Năm, 24/10/2019, 06:46 [GMT+7]
Điện Biên TV – Hiện nay các Ngân hàng trên địa bàn đã và đang triển khai mạnh việc phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với các đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn, cung cấp cho khách hàng nhiều kênh thanh toán như: Internet banking, Mobile banking…. Từ đó tạo giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch thanh toán nhanh, an toàn, tạo ra nhiều tiện ích trong đầu tư, tiêu dùng xã hội, đẩy nhanh tốc độ chu chuyển, nâng cao hiệu quả sử dụng dòng vốn, tài chính trong nền kinh tế.
N
Ứng dụng Mobile banking của AgriBank.

Thực trạng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại tỉnh Điện Biên

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã tham mưu với UBND tỉnh Điện Biên ban hành kế hoạch 1562/KH-UBND ngày 06/6/2017 về việc Triển khai thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch 1651/KH-UBND ngày 25/6/2018 triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; 

Công văn số 443/ĐBI-KTTT ngày 3/7/2019 và Công văn số 563/ĐBI-KTTT ngày 21/8/2017 của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Điện Biên quán triệt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, KBNN nghiêm túc thực hiện các mục tiêu và tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước, của ngành ngân hàng về đây mạnh TTKDTM, tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán phục vụ nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 9 đơn vị tham gia vào hệ thống thanh toán gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông Nghiệp và PTNT, Ngân hàng TMCP ĐT&PT, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Phát triển và Kho bạc Nhà nước tỉnh. Các Ngân hàng trên địa bàn đã và đang triển khai mạnh việc phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với các đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn, cung cấp cho khách hàng nhiều kênh thanh toán như: thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, ATM/POS... trên nền tảng Core banking triển khai thành công. 

Các kênh cung cấp cho khách hàng luôn hướng tới mục tiêu đa dạng hóa dịch vụ, cung cấp trải nghiệm tốt nhất đến khách hàng, cùng chính sách phí cạnh tranh, từ đó dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến luôn có được sự phát triển nhanh chóng và bứt phá, tốc độ tăng trưởng dịch vụ luôn ở mức cao. Đến thời điểm này tổng số máy ATM trên địa bàn tỉnh là 31 máy được lắp đặt tại Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Nhé, huyện Tuần Giáo; huyện Tủa Chùa và thị xã Mường Lay. Tổng số máy POS 111 máy

Kết quả triển khai thanh toán qua Ngân hàng đối với dịch vụ y tế, giáo dục và chi trả các chương trình an sinh xã hội

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh việc thu và thanh toán viện phí của bệnh nhân ở các cơ sở khám chữa bệnh; học phí của học sinh, sinh viên ở các trường học chủ yếu bằng tiền mặt, khiến người dân phải mất nhiều chi phí, thời gian chờ đợi trong việc thanh toán, quyết toán...
 
Bên cạnh đó, tại các bệnh viện, trường học cũng phải bố trí cơ sở vật chất; nhân sự làm công tác thu tiền, thanh toán. Điều này ảnh hưởng lớn đến chi phí của bệnh viện, trường học và của toàn xã hội, việc ứng dụng đây mạnh thanh toán qua ngân hàng mang lại nhiều lợi ích cho người dân và toàn xã hội như an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí, thời gian, thuận tiện hơn khi thanh toán bằng tiền mặt.
 
Đến thời điểm hiện tại, số đơn vị thực hiện giao dịch, chi trả lương qua KBNN của lĩnh vực y tế, giáo dục qua tài khoản trên địa bàn là 535 đơn vị ( trong đó: Tại tỉnh, thành phố là 45 đơn vị, tại các huyện, thị là 490 đơn vị), số lượng món giao dịch từ đầu năm đến nay là 400 giao dịch, tổng số tiền là 77,600 triệu đồng.
 
Một số ngân hàng trên địa bàn đã và đang chủ động tiếp cận, triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công y tế, giáo dục, chi trả các chương trình an sinh xã hội qua các hình thức thanh toán viện phí, học phí tại các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học như thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử.
N
Đến thời điểm này tổng số máy ATM trên địa bàn tỉnh là 31 máy được lắp đặt tại Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Mường Nhé, huyện Tuần Giáo; huyện Tủa Chùa và thị xã Mường Lay. (ảnh minh họa)

Việc Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là hình thức thanh toán phổ biến trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lợi ích của TTKDTM đối với sự phát triển kinh tế xã hội và là tiện ích phục vụ của người dân, các sản phẩm TTKDTM giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch thanh toán nhanh, an toàn, tạo ra nhiều tiện ích trong đầu tư, tiêu dùng xã hội, đẩy nhanh tốc độ chu chuyển, nâng cao hiệu quả sử dụng các dòng vốn, tài chính trong nền kinh tế. 

Ngoài ra TTKDTM góp phần chống thất thu thuế, hạn chế tình trạng tham nhũng, rửa tiền, giảm chi phí phát hành tiền mặt, tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, các khoản chi tiêu và giao dịch của Chính phủ, các thành phần kinh tế và người dân./.

 
 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
 
.