Đại biểu Quốc hội quan ngại tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản
Nhiều đại biểu đề cập và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cấp bách có những chính sách nhằm khắc phục nhanh tình trạng này.
Sáng nay (8/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Đồng tình với Báo cáo bổ sung bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 cũng như những tháng đầu năm 2015, các đại biểu nhận định, kinh tế nước ta đã bước qua giai đoạn suy thoái, kinh tế có đã có bước tăng trưởng phục hồi nhưng chưa được bền vững, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Các đại biểu đặc biệt quan tâm và lo lắng đến vấn đề sản sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vấn đề này được nhiều đại biểu đề cập và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cấp bách có những chính sách nhằm khắc phục nhanh tình trạng mất mùa mất giá, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc biệt là những tháng đầu năm 2015.
Đại biểu Đỗ Văn Đương, Đoàn ĐBQH Tành phố Hồ Chí Minh |
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay nhiều mặt hàng nông sản đang mất giá, đồng thời mất thị trường do xu thế cạnh tranh khốc liệt như mặt hàng gạo có thêm đối thủ cạnh tranh như Campuchia, Lào, Bangladesh. Mặt hàng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, vải thiều, dưa hấu, hành tím, muối… thời gian qua vẫn đang chật vật tìm đầu ra.
Đại biểu Đỗ Văn Đương, Đoàn ĐBQH TP HCM cũng cho rằng, tình trạng nông sản ế ẩm đã kéo dài nhiều năm nay, trong khi các giải pháp kinh tế đã được Chính phủ đề ra nhưng nặng yếu tố vĩ mô, chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính thuyết phục.
“Vì sao sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp? Có phải vì thị trường tiêu thụ hạn chế hay chất lượng nông sản thấp? Nông dân làm theo phong trào, tạo ra nhiều sản phẩm dẫn đến hàng hóa ế ẩm. Vậy vai trò định hướng của các Bộ, ngành, địa phương ở đâu mà lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, rồi đến dưa hấu bị ế ẩm và bây giờ là cây mắc ca đang được trồng ồ ạt ở nhiều nơi nhưng đầu ra chưa có...”, Đại biểu Đương nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cập nhật thông tin cho biết, gần như năm nào Chính phủ cũng ứng tiền thu mua tạm trữ lúa gạo cho người dân vùng ĐBSCL. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có đánh giá tác động của giải pháp tình thế này đến đâu, bà con nông dân được hưởng lợi như thế nào.
“Có ý kiến cử tri còn phản ánh rằng, khi có chủ trương này thì hầu hết bà con đã bán hết lúa gạo để trang trải nợ nần chi phí sản xuất, chỉ còn thương lái đứng ra tiến hành thu gom, vậy có phải chúng ta mua lại lúa gạo của thương lái hay không?”, Đại biểu Đương đặt vấn đề..
Giải pháp để tăng cường xuất khẩu hàng nông sản theo Đại biểu Đương là cần mở rộng thị trường tiêu thụ, hợp tác mạnh với các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch như Nhật Bản, Israel… tìm nhu cầu thị trường để ấn định quy mô sản xuất, cơ cấu vật nuôi cây trồng phù hợp.
Đại biểu Lê Thị Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nhận định, trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, tình hình sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp giảm, mạnh nông lâm thủy sản giảm so với cùng kì, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế bất cập.
Theo đó, mặc dù Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình, dựa án hỗ trợ tín dụng nhằm hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp… “Tuy nhiên quá trình thực thi còn nhiều hạn chế do một số quy định vay vốn còn chưa phù hợp, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi còn gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất áp dụng công nghệ cao”, Đại biểu Công nói…/.
Theo VOV