Cây cao su trên đất Mường Chà
Điện Biên TV - Cao su là loại cây công nghiệp đa mục đích, được đánh giá là khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh ta. Cao su không những có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, mà còn có tác dụng phủ xanh đất đồi núi bạc màu, cải thiện môi trường, môi sinh. Xác định được tiềm năng, lợi thế cũng như lợi ích đem lại từ việc phát triển cây cao su, tỉnh Điện Biên đã hoạch định mục tiêu đến năm 2015 trồng 20.000ha cây cao su. Sau 4 năm tiến hành trồng, đến nay tại huyện Mường Chà đã có diện tích lớn nhất tỉnh, với hơn 1000 ha cao su.
![]() |
Công nhân Đội cao su Thị trấn chăm sóc vườn ươm cây cao su |
Những năm gần đây, cây cao su tại huyện Mường Chà đã không ngừng phát triển và trở thành cây công nghiệp hứa hẹn góp phần chủ lực trong tiến trình xóa đói giảm nghèo, hướng tới làm giàu từ cây cao su của người nông dân.
Chúng tôi cùng ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Nông trường Cao Su Mường Chà, đồng thời là Đội trưởng Đội cao su Thị trấn đến thực địa tại một số điểm trồng cây cao su trên địa bàn huyện. Trên triền đồi thuộc xã Ma Thì Hồ, cây cao su mới trồng ngày nào nay đã lên xanh, vươn rộng tán. Sau 4 năm, gần 450 ha cây cao su trồng từ 2009 phát triển tốt, nhiều cây cao tới 5m, tán rộng 1,5m. Ông Định cho biết, năm 2010, toàn huyện đã trồng được hơn 370ha; năm 2011 Nông trường đã khai hoang trồng mới 200ha và trồng dặm 360ha. Đến nay tổng diện tích cao su trên địa bàn huyện Mường Chà đã lên đến hơn 1.000 ha. Diện tích cây cao su ở Mường Chà tập trung chủ yếu ở Thị trấn và các xã như: Na Sang, Mường Mươn và xã Sa Lông.
Những ngày mới đưa cây cao su trồng trên đất Mường Chà, một số hộ dân không chịu giao đất cho Công ty cổ phần Cao su Điện Biên, do chưa nhận thức đúng đắn về chính sách phát triển kinh tế và hiệu quả từ việc trồng cao su. Trong điều kiện bình thường, cây cao su trồng được 6 năm trở lên mới có thể cho khai thác mủ. Vì vậy, trong thời điểm trước đó đó cây cao su chưa đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Nhiều lần các đơn vị cao su trong Nông trường phải kết hợp với chính quyền xã họp dân, tuyên truyền để mọi người hiểu lợi ích kinh tế đem lại từ việc trồng cao su, từ đó vận động người dân giao đất. Một số bản, như: bản Háng Lìa, xã Sa Lông và bản Na Pheo 2, xã Na Sang trước kia người dân cương quyết giữ đất, thì nay đã tự nguyện giao đất trồng cây công nghiệp này.
Theo định mức quy định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, chi phí công lao động trực tiếp cho trồng, chăm sóc và bảo vệ vườn cao su theo phương pháp thủ công trong 6 năm đầu là gần 350 công/ha. Trong đó, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên sẽ thanh toán cho người lao động ít nhất 50.000 đồng/công. Tùy theo điều kiện canh tác của từng địa bàn, tổng chi phí công lao động trực tiếp cho 1ha cây cao su trong 6 năm đầu là hơn 17,3 triệu đồng/ha. Và sang năm thứ 7, khi vườn cao su đưa vào khai thác, người dân được hưởng tiền công khai thác mủ, chia cổ tức đối với những hộ góp vốn cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất. Thấy được hiệu quả từ việc trồng cao su, nhiều hộ dân đã tự nguyện đăng ký giao đất cho Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên.
![]() |
Cây cao su dự báo sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương |
Để người dân có thể yên tâm chăm sóc diện tích cao su đã trồng cũng như phát triển diện tích mới, Nông trường Cao su Mường Chà kết hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Mường Chà triển khai xuống các xã làm hợp đồng nhận khoán diện tích cao su với người dân. Việc nhận khoán ưu tiên đối với những hộ trước kia đã giao đất cho Công ty và quy định mỗi hộ nhận khoán không quá 3ha cao su. Ngoài ra, trong 3 năm đầu, người dân được trồng xen cây lúa và cây họ đậu trên diện tích đất trồng cao su. Theo ước tính, bằng cách thâm canh tăng vụ như vậy, số thóc thu được cho mỗi hộ dân là khoảng 700kg/ha, tương đương 4,2 triệu đồng/năm. Hiện nay, huyện Mường Chà đã có hàng nghìn hộ nhận khoán, chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích cao su, theo phương châm Nông trường cung cấp giống, vật tư, phân bón, người dân góp sức lao động. Nông trường thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân từ khâu đào hố, hạ băng đến bón phân, phun thuốc. Người dân được trả từ 100.000 đến 160.000 đồng/người/ngày công. Việc người dân trực tiếp chăm sóc và quản lý diện tích cao su ở huyện Mường Chà không những đem lại nguồn thu nhập, mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây trồng của người dân.
Đến cuối năm 2014, những vườn cây cao su được trồng sớm nhất trên địa bàn huyện Mường Chà sẽ cho thu hoạch mủ. Thời gian khai thác mủ có thể kéo dài trên 20 năm và bình quân mỗi năm khai thác được 10 - 11 tháng liên tục. Điều đó dự báo cây cao su sẽ góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, tăng nguồn thu ngân sách cho chính quyền địa phương.
Kông Thao