Giáo dục nghề nghiệp: "Cuộc đua" không công bằng

Thứ Hai, 30/09/2019, 06:47 [GMT+7]

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế.

Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đến tháng 6 năm nay, cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với số lượng tuyển sinh khoảng 2,2 triệu người học 1 năm.

Tuy vậy, giáo dục nghề nghiệp dường như vẫn bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục quốc dân do những bất cập về hệ thống cơ chế, chính sách, tư duy quản lý khiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rơi vào tình trạng phải tham gia “cuộc đua” không công bằng trong tuyển sinh và đào tạo.

1
Hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục chung của cả nước (ảnh minh họa).

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo được hơn 2,2 triệu người học nhưng đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chỉ khoảng 540.000 người (khoảng 25%), đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình ngắn hạn chiếm tới 75%. Trong đó, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chưa đáp ứng trúng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục nghề nghiệp phải đặt trong khuôn khổ của hệ thống giáo dục chung thì mới có thể chia sẻ dữ liệu tuyển sinh và liên kết trong đào tạo.

“Hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục chung của cả nước. Mấy năm nay giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh khó, hiệu trưởng các trường phải đi đây đi đó tìm cách lôi kéo sinh viên về bởi vì bây giờ ngay cả dữ liệu học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký Bộ Giáo dục- Đào tạo làm riêng còn bên hệ thống giáo dục nghề nghiệp làm riêng, không chia sẻ cơ sở dữ liệu. Ngay cả chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đi lạc hướng, 2 cái chạy giống như hai đường thẳng song song không gặp nhau được thì làm sao chúng ta có thể liên kết với nhau, gắn kết với nhau được”, ông Đỗ Văn Dũng nói.

Còn ông Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên cũng nêu một thực tế đó là việc tuyển sinh của 2 Bộ hiện đang hoạt động độc lập, chưa có sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu thí sinh đã khiến các trường cao đẳng như bị bỏ rơi trong tuyển sinh. Khi không tuyển đủ thí sinh thì các trường khó có thể thực hiện được việc tự chủ và nâng cao chất lượng đào tạo.

“Các trường cao đẳng Việt Nam đã bị tước đi quyền tự chủ đó là bị tước đi quyền được tuyển dụng sinh viên vì đại học tuyển quá nhiều, mở cửa quá rộng rãi thì đại học lấy hết thì cao đẳng lấy đâu mà tuyển sinh. Không có sinh viên thì không có tiền, không có tiền thì đừng nói đến tự chủ và đứng nói chuyện chịu trách nhiệm với xã hội và đào tạo tay nghề cao là không có. Bây giờ chúng ta phải nhận thức từ chính sách chứ không phải từ các trường chúng tôi. Chúng tôi chấp hành nhưng chính sách phải mở, phải công bằng giữa hệ đại học và hệ cao đẳng”, ông Bùi Trần Ngọc chia sẻ.

 Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học là 4 khối trong hệ thống giáo dục quốc dân cần được đánh giá và coi trọng ngang nhau mới có thể tạo thành một chỉnh thể giáo dục –đào tạo.

Chỉ khi nào giáo dục nghề nghiệp được đầu tư chuẩn mực như giáo dục đại học thì mới thu hút được người học và thu hút được doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo./.

 

 

Theo Minh Hường/VOV

.