Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân

Thứ Năm, 19/12/2019, 15:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 19/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.

N
Điểm cầu tỉnh Điện Biên.

 

Báo cáo tổng kết chỉ rõ: Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt; đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.

Nội dung PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng thực chất hơn nhu cầu thực tiễn và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Hình thức PBGDPL tiếp tục được đổi mới, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực. Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến ngày 1/5/2019, cả nước có 27.401 báo cáo viên pháp luật và 137.844 tuyên truyền viên pháp luật…

Tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm. Năm 2017, số vụ việc vi phạm hành chính bị phát hiện là 8.398.944 vụ, giảm 14,6% so với kỳ báo cáo năm 2016; tổng số đối tượng bị xử phạt là 7.791.015 đối tượng, giảm 20%. Năm 2018, tổng số vụ việc vi phạm bị phát hiện là 6.623.670 vụ, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2017; tổng số đối tượng bị xử phạt là 6.544.491 đối tượng, giảm 16% so với cùng kỳ.

Nhờ việc triển khai tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2018 đã có 8.804/11.147 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 79%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 15 năm triển khai Chỉ thị 32 trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức. Việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết để đúc rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa được chú trọng. Nguồn nhân lực thực hiện ở các cấp, các ngành mặc dù đã được củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Việc định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đôi lúc chưa sát với thực tiễn…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đạt được trong công tác tuyên truyền PBGDPL, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục.  Đồng chí khẳng định: Công tác tuyên truyền PBGDPL có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương xác định rõ công tác tuyên truyền PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền XHCN, đảm bảo quyền con người và quyền công dân.

Tăng cường đổi mới toàn diện, sâu sắc sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác PBGDPL; xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác PBGDPL; đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện PBGDPL.

Đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong các nhà trường; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PBGDPL; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận động nhân dân hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và gắn tuyên truyền pháp luật với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước./.

 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.