Điện Biên:

Đột phá năm nước rút tạo sức bật cho tăng trưởng

Thứ Ba, 31/12/2019, 17:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội trình tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khóa XIV khẳng định: Năm 2019, tỉnh Điện Biên tiếp tục có một năm thành công khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,95%; công nghiệp - xây dựng tăng 0,03%; dịch vụ tăng 0,87%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,7 triệu đồng, tăng 4,98% so với năm 2018. Bức tranh sáng sủa của nền kinh tế tỉnh ta năm 2019 đang tạo sức bật lớn cho sự tăng trưởng trong năm 2020 và hoàn toàn có thể về đích sớm kế hoạch 5 năm (2016-2020).

r
Đại biểu bấm nút khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên


Năm 2019, năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), đang đi dần về vạch đích. Mọi âu lo về những khó khăn, thách thức trước sự suy giảm kinh tế và những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, đang dần lắng khi thành quả kinh tế - xã hội đã hiện hữu tích cực. Kinh tế -  xã hội ổn định và phát triển, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, thước đo quan trọng hơn mọi chỉ số tăng trưởng chính là sự hài lòng của người dân với cuộc sống, là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đó chính là nền tảng vững chắc để tỉnh ta ngày càng phát triển.

Để thực hiện kết quả cao nhất phương châm hành động của tỉnh là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động sáng tạo, đột phá, hiệu quả”; “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt. Cuối năm vừa qua, Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử liên thông được tỉnh ta triển khai cài đặt và đào tạo sử dụng cho các sở, ban, ngành tỉnh; 10 huyện, thị xã, thành phố và 130 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến cho các cơ quan, đơn vị bao gồm: 1.785 dịch vụ công mức độ 2; 243 dịch vụ công mức độ 3 và 88 dịch vụ công mức độ 4. Các nhóm chức năng chính bao gồm: Cung cấp thông tin về dịch vụ công; Quản lý danh mục dịch vụ công; Quản lý danh mục quy trình lưu chuyển, xử lý; Quản lý danh mục trạng thái hồ sơ; Thống kê, tổng hợp thông tin; Tìm kiếm, tra cứu hồ sơ; Tình trạng hồ sơ; Thông báo khi có yêu cầu bổ sung hồ sơ; Thông báo khi hồ sơ đã có kết quả và Hệ thống đánh giá sự hài lòng về chất lượng sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

r
Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh năm 2018 xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước


Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: "Đây là quan hệ giao dịch hành chính mới, tính ưu việt của nó sẽ nhanh chóng làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong đăng ký thực hiện thủ tục hành chính và cán bộ, công chức có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính. Khi tất cả đã được công khai, minh bạch, được người dân giám sát thì các cơ quan hành chính sẽ có những thay đổi thực sự trong quản lý, điều hành."

Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, trong đó trọng tâm là xây dựng và phê duyệt Đề án "Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên” để có cơ sở tổ chức thực hiện. Trong năm 2019, tỉnh ta tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, phân công chủ trì, phụ trách đối với lĩnh vực, nhiệm vụ và trách nhiệm của tập thể, cá nhân gắn với với kết quả cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị.

Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh năm 2018 xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018, chỉ số PCI của tỉnh đạt 61,77 điểm, xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2017). Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2018 của tỉnh đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá (với 20 dự án được cấp chủ trương đầu tư và đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao (tăng 12,14% so với năm 2018) nhất là vốn đầu tư khu vực tư nhân (tăng 28,25% so với năm 2018); Cải cách hành chính tiếp tục đạt được kết quả tích cực, chỉ số tăng cao cao hơn so với năm trước."

Trong hàng chục năm qua, chưa bao giờ tỉnh ta phải đối mặt với tình hình thời tiết vô cùng khắc nghiệt như năm nay, đi ngược với qui luật vốn có. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu phi đã làm chết gần 23.400 con; Sâu keo mùa thu trên cây ngô, sâu cắn gié trên lúa nương và tình trạng hạn hán kéo dài đe dọa đến năng suất, chất lượng của các loại cây trồng… Tuy nhiên, với sự quyết liệt, ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng chống dịch bệnh, chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp nên các chỉ tiêu cơ bản đều đạt so với kế hoạch.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và đặc biệt là sự chủ động của ngành Nông nghiệp và PTNT đã với hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Có thể nói năm nay, vượt qua được khó khăn trong thử thách về điều kiện sản xuất, trong chăn nuôi, trồng trọt thì tổng sản lượng lương thực đã đạt và vượt so với kế hoạch được giao, chúng ta đã đạt được 267 nghìn tấn, tăng hơn 3 nghìn tấn so với năm 2018."

r
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 11.340,87 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước


Cùng với việc đối diện và vượt qua những khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp, các phong trào thi đua yêu nước trọng tâm trong năm 2019 cũng được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; phong trào “Dân vận khéo”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Đều được gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh, xã hội đều được thực hiện đạt hiệu quả cao hơn những năm trước. Kết thúc năm 2019, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 44.387 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,97%, giảm 2.949 hộ và giảm 3,11% so với năm 2018; nhất là tỷ lệ hộ nghèo của các huyện 30a giảm xuống còn 49,27% (giảm 4,57% so với năm 2018). Đến nay, tỉnh đã công nhận 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 18 xã đạt chuẩn và 4 xã cơ bản đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu 11 xã; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 15,51%, vượt 9,51% so với nhiệm vụ Kế hoạch.

"Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 11.340,87 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 3,16%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,61%; dịch vụ tăng 8,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 8,72%. Dự ước tổng thu ngân sách địa phương năm 2019 là 10.085,78 tỷ đồng, đạt 109,92%. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.233 tỷ 897 triệu đồng, đạt 103,13% dự toán. Trong đó thu nội địa ước thực hiện 1.178 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 29,7 triệu đồng/người/năm, tăng 4,98% so với thực hiện năm 2018." - Ông Hà Quang Trung, Giám đốc Sở Tài chính cho biết.

Không chỉ là cảm nhận của những du khách từ mọi miền Tổ quốc ít có dịp đến Điện Biên mà ngay chính những cư dân bản địa cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng. Những tòa nhà cao tầng vươn cao trong không gian trải dài và mở rộng. Là mảnh đất mang ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, những dấu tích chiến tranh còn lại của quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, là điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm từng bước được đầu tư hiện đại, mang dáng dấp đặc thù của kiến trúc miền núi Tây Bắc; kết hợp với sự đa dạng của các sắc màu văn hóa, dân tộc luôn hấp dẫn được du khách đến Điện Biên. Sự khang trang hơn của mỗi thôn bản; người dân đã bớt đi nhiều những lam lũ, cơ hàn. Với khí phách truyền thống của mảnh đất anh hùng, tỉnh Điện Biên đang tràn đầy niềm tin và khát vọng bứt phá, vững vàng vươn tới tương lai./.

 

Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN
 

.