Rút ngắn thời gian chờ cấp cứu tại bệnh viện

Thứ Năm, 23/05/2019, 07:03 [GMT+7]

Mô hình quản lý tinh gọn Lean đang được áp dụng tại một số bệnh viện đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Mô hình đã rút ngắn rất nhiều thời gian từ khi bệnh nhân vào khoa cấp cứu đến lúc nhập viện và đi mổ.

1
Đánh giá kết quả bước đầu áp dụng mô hình quản lý tinh gọn Lean rút ngắn thời gian chờ tại khoa Cấp cứu tại bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho thấy, thời gian từ khi bệnh nhân vào khoa Cấp cứu đến lúc đi mổ giảm từ 134,4 phút xuống còn 87,6 phút. Ảnh: VGP/Lan Hương


Tại Hội thảo khoa học quản lý chất lượng bệnh viện năm 2019 tổ chức ngày 22/5, các đại biểu đánh giá cao mô hình quản lý tinh gọn Lean được áp dụng tại bệnh viện Trung ương quân đội 108. Mô hình này đang được áp dụng tại một số ít bệnh viện luôn trong tình trạng tiếp nhận đông bệnh nhân mỗi ngày như bệnh viện Nhi đồng I TPHCM, bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mô hình này rất phù hợp với điều kiện của các bệnh viện ở nước ta hiện nay. Mô hình tập trung cải tiến quy trình khám chữa bệnh thông qua giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

Báo cáo về đánh giá kết quả bước đầu áp dụng mô hình quản lý tinh gọn Lean rút ngắn thời gian chờ tại khoa Cấp cứu tại bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong thời gian từ tháng 10/2018-4/2019 cho thấy, thời gian từ khi bệnh nhân vào khoa Cấp cứu đến lúc nhập viện khoa lâm sàng đã giảm từ 118,3 phút xuống còn 69,8 phút; thời gian bệnh nhân vào khoa Cấp cứu đến lúc đi mổ giảm từ 134,4 phút xuống còn 87,6 phút; thời gian bệnh nhân vào khoa Cấp cứu đến lúc đi can thiệp mạch não cấp cứu từ 55,2 phút xuống còn 49 phút.

Như vậy, sau khi áp dụng mô hình quản lý tinh gọn Lean, thời gian chờ tại khoa Cấp cứu của bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã giảm 41%, từ đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Trước đó, thời gian bệnh nhân nằm tại khoa Cấp cứu trung bình tháng 7/2018 là 112 phút. Nếu không tính các bệnh nhân can thiệp mạch thì thời gian chờ là hơn 126 phút. Đây là thời gian rất dài khiến cho lúc cao điểm năng lực cấp cứu bệnh nhân của khoa bị hạn chế, bệnh nhân và người nhà người bệnh phải chờ lâu, mức độ hài lòng không cao. Tình trạng này cũng đang là tình trạng chung của nhiều bệnh viện trên cả nước, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.

Quản lý tinh gọn Lean là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục và tập trung vào việc tạo thêm giá trị cùng lúc với việc loại bỏ các lãng phí trong quá trình cung cấp dịch vụ của một tổ chức, từ đó giúp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình cung cấp dịch vụ, đồng thời tăng khả năng đáp ứng một cách linh hoạt các yêu cầu không ngừng biến động và ngày càng khắt khe của người dân.

Mô hình Lean này được áp dụng rất nhiều trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và các bệnh viện trên thế giới, tuy nhiên chưa có nhiều mô hình áp dụng quản lý tinh gọn tại các bệnh viện ở Việt Nam, đặc biệt là tại khoa Cấp cứu.

Theo GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc bệnh viện Trung ương quân đội 108, chất lượng của bệnh viện sẽ được đánh giá từ chất lượng khám và chẩn đoán bệnh (người bệnh được khám và phát hiện sớm bệnh), đến chất lượng điều trị, dịch vụ chăm sóc, sử dụng những kỹ thuật tiên tiến... để người bệnh hài lòng khi xuất viện.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, các nhà quản lý hiện đại đã thấy rằng cần phải  có sự quản lý một cách chặt chẽ, có hệ thống kiểm soát đúng đắn, đồng bộ và những ứng dụng về quản lý chất lượng sẽ rất cần thiết đối với các cơ sở y tế hiện nay. Đặc biệt là những yêu cầu của quá tình chứng nhận, công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong khu vực và quốc tế, trong đó lĩnh vực cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh cũng phải có sự đổi mới và tìm ra các giải pháp đồng bộ để theo kịp xu thế phát triển của thời đại.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.