Nâng cao ý thức phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ

Thứ Sáu, 24/05/2019, 14:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua, tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Điện Biên tiếp nhận nhiều vụ tai nạn thương tích ở trẻ em. Đây là thực trạng đáng báo động đòi hỏi các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em.
   
Từ đầu tháng 5 đến nay, Khoa chấn thương chỉnh hình bỏng - Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận gần 10 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em do bỏng nước sôi, bỏng điện, tai nạn giao thông; ngã do trèo cây. Những tai nạn này đều gây ra những hậu quả và di chứng đáng tiếc như: gãy chân, gãy tay, chấn thương sọ não, để lại những vùng sẹo lớn trên cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của các em, không những thế còn gây tổn hại kinh tế gia đình.

1
Bệnh nhân bị bỏng do điện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên

 

Bác sĩ Mào Văn Sơn, Phó trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, Bỏng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết: " Thời gian vừa qua Khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng có tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị thương tích. Hầu hết các trẻ bị bỏng do nước sôi, bỏng điện, tai nạn giao thông... Tai nạn này đã để lại những hậu quả nặng nề đối với trẻ"

Đa phần những vụ tai nạn thương tích của trẻ thường bắt nguồn từ sự bất cẩn và thiếu quan tâm sâu sát của người lớn. Đơn cử như trường hợp của cháu Chang A Vảng 10 tuổi, trú tại bản Háng Tơ Mang 2, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa vào viện trong tình trạng bỏng vùng tay chân, lưng, ngực, bụng mặt, khoảng 40% cơ thể. Nguyên nhân gây tai nạn là do trèo lên cột điện bắn chim không may bị điện giật.

Anh Chang A Chừ - Bản Háng Tơ Mang 2, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa cho biết: "Tôi đi làm thì được giáo viên chủ nhiệm của con gọi điện bảo con đang trên viện, bị bỏng nặng. Tôi vào viện thì được biết do bé trèo cột điện bắn chim, sau đó gia đình cũng chuyển cháu về bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị"

Trẻ em thường rất hiếu động và tò mò. Do vậy, các bậc phụ huynh nên để ý, giám sát kỹ con em mình. Chỉ một phút bất cẩn cũng gây nên những hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ Mào Văn Sơn, Phó trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, Bỏng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết: "Tôi cũng muốn khuyến cáo đến các bậc phụ huynh không để trẻ chơi, nô đùa gần sông suối, ao hồ, không cho trẻ chơi, nô đùa gần điện cao thế, trạm biến áp…

Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao… Cần làm rào chắn, biển báo cảnh báo nguy hiểm tại sông suối ao hồ, tại các trạm biến áp, cột điện cao thế... Khi gặp sự cố cần thông báo ngay cho người lớn ở nơi gần nhất, nhanh chóng sơ cứu nạn nhân và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời."

Để tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra, điều cốt yếu là phụ huynh cần quan tâm hơn đến hoạt động của trẻ, nhất là trong dịp hè. Bên cạnh đó việc giáo dục, trang bị cho trẻ em những kiến thức để tự bảo vệ mình là việc làm cần thiết mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm./.

 

 

Thu Nga - Đức Trung/DIENBIENTV.VN

.