WHO cảnh báo nguy cơ dịch bệnh nếu trẻ không được tiêm vaccine đầy đủ

Thứ Bảy, 20/04/2019, 08:41 [GMT+7]

Trẻ không được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ sẽ tạo ra nguy cơ rất lớn lây truyền các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Thậm chí, khoảng trống tiêm chủng trong bất kỳ cộng đồng nào cũng sẽ là rủi ro cho tất cả các cộng đồng khác.

1
Tiêm chủng là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất. Ảnh: VGP/Thúy Hà


Ngày (19/4), Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Tiêm chủng” năm 2019 với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.

Tại Lễ mít tinh, ông Nihal Signh, chuyên gia của tổ chức Y tế thế giới (WHO) chúc mừng Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em, đưa vaccine IPV vào sử dụng năm 2018, tăng cường giám sát và xử lý phản ứng sau tiêm và nỗ lực đảm bảo tài chính bền vững cho Chương trình tiêm chủng và nguồn cung vaccine.

“Được tiêm chủng là quyền của tất cả trẻ em. Hàng năm, khoảng 27 triệu trẻ em, tương đương 97% trẻ em ở khu vực Tây Thái Bình Dương được tiêm các mũi vaccine cơ bản”, ông Nihal Signh cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia của tổ chức WHO cũng chia sẻ, tỷ lệ tiêm chủng vaccine là không đồng đều giữa các quốc gia cũng như trong phạm vi một quốc gia. Riêng tại Việt Nam, năm 2018, gần 87.000 trẻ em dưới một tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ và đa phần những trẻ này thuộc các hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo ở nông thôn và miền núi hoặc từ các gia đình nghèo, di cư sống ở thành thị.

Chính điều này tạo ra nguy cơ lây truyền cao cho các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Và khoảng trống tiêm chủng trong bất kỳ cộng đồng nào cũng sẽ là rủi ro cho tất cả các cộng đồng khác.

Một điển hình từ năm ngoái, sau gần hai thập kỷ, Papua New Guinea tuyên bố đã thanh toán bệnh bại liệt thì một vụ dịch bùng phát đã khiến 26 trẻ em mắc bệnh bại liệt. Từ năm 2018, số ca mắc sởi đã tăng đột biến trên toàn cầu. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, 11 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đã báo cáo số ca mắc sởi ngày càng tăng, trong đó Philippines đang trải qua một đợt dịch sởi bùng phát lớn.

Một vấn đề cấp bách khác là sự trì hoãn tiêm vaccine. Tổ chức WHO xác định sự trì hoãn tiêm vaccine là một trong những mối đe dọa đối với y tế toàn cầu trong năm 2019.

Ở một số quốc gia thu nhập cao và trung bình, cha mẹ đang trì hoãn hoặc từ chối tiêm vaccine cho con vì họ do dự hoặc hoài nghi về sự an toàn và tầm quan trọng của vaccine. Điều này đã tạo ra một khoảng trống miễn dịch và khiến tất cả trẻ em khác có nguy cơ bị mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Sự lan truyền của những thông tin sai lệch liên quan đến vaccine trên một số phương tiện truyền thông là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của trào lưu này và cần phải được xử lý khẩn cấp.

Chính vì vậy, trong buổi Lễ mít tinh, đại diện tổ chức WHO đã nhắc nhở và khuyến cáo tới người dân 5 sự thật về tiêm chủng gồm: vaccine an toàn và hiệu quả; vaccine phòng bệnh chết người; vaccine ccung cấp khả năng miễn dịch tốt hơn so với nhiễm trùng tự nhiên; các loại vaccine phối hợp đều an toàn và hiệu quả; nếu chúng ta ngừng tiêm vaccine, bệnh tật sẽ quay trở lại.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng nhấn mạnh, các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị chính quyền các cấp đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng, phòng chống dịch của địa phương. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, các bệnh viện tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng...

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét các chiến lược sử dụng vaccine, đưa thêm các vaccine mới, sử dụng các vaccine an toàn trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để có thêm cơ hội phòng bệnh cho trẻ em.

Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có các vaccine phòng 10 bệnh truyền nhiễm gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella, viêm gan B, viêm phổi, màng não/viêm phổi do vi khuẩn Hib, viêm não Nhật Bản.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.