Đề xuất sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh

Thứ Sáu, 12/04/2019, 07:17 [GMT+7]

Bộ Y tế đang dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

1
Ảnh minh họa


Bộ Y tế cho biết, ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh. Luật khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

Đến nay, Luật khám bệnh, chữa bệnh đã nảy sinh một số vấn đề về thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chứng chỉ hành nghề: Về đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho 6 nhóm đối tượng, quy định này chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thực tế như cán bộ khối y tế dự phòng, cử nhân sinh học tham gia xét nghiệm, người đang làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng nhưng có tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,…gây khó khăn cho người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế.

Về thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề: Luật khám bệnh, chữa bệnh không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, việc không xác định thời hạn không tạo ra cơ chế để giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát việc quản lý chất lượng người hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề. Bên cạnh đó, quy định này cũng không phù hợp với pháp luật cũng như thông lệ quốc tế gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khám bệnh, chữa bệnh. Đến nay, có lẽ chỉ còn Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị vĩnh viễn…

Thứ hai, về hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Luật khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể một số hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, quy định này chưa bao quát hết các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh. Ví dụ: Trung tâm y tế huyện, Trung tâm nội tiết, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, trung tâm phòng, chống bệnh xã hội, trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh xá, phòng khám quân dân y… Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn khi cấp giấy phép hoạt động cho các hình thức này.

Thứ ba, quy định người nước ngoài vào khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, chuyển giao kỹ thuật, mổ biểu diễn phải có giấy phép hành nghề không phù hợp với thực tiễn do không bảo đảm được tính kịp thời của hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và chuyển giao kỹ thuật.

Thứ tư, về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có 4 tuyến gắn với tuyến hành chính. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế lại quy định dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế,…Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện phát sinh những mâu thuẫn và bất cập.

Thứ năm, một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như bệnh án điện tử, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đăng ký hành nghề…. chưa được quy định cụ thể trong Luật nên chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ sáu, vấn đề an ninh bệnh viện mới được tiếp cận dưới góc độ quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh nhưng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện khác như các biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh bệnh hay vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động này…

Bộ Y tế đã đề xuất dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) 9 chương, 114 điều nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế, lấy người bệnh làm trung tâm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.