Bảo quản thực phẩm đúng cách trong ngày nắng nóng

Thứ Năm, 25/04/2019, 14:25 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vào những ngày thời tiết nắng nóng, việc bảo quản thức ăn, thực phẩm đúng cách sẽ giúp phòng tránh sự nhiễm khuẩn và một số nguyên nhân gây nên các bệnh đường tiêu hóa như ngộ độc, tiêu chảy cấp...

Thành phố Điện Biên Phủ mấy ngày gần đây đã bắt đầu bước vào thời điểm nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể lên đến trên 36-37 độ C. Được biết, trong thời gian gần đây, số lượng trẻ em nhập viện do mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa có xu hướng tăng dần.

1
Người dân có thói quen lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm, trong môi trường bình thường bên ngoài.

 

Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong. Nguyên nhân được xác định là xuất phát từ thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật, thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất và thực phẩm còn tồn  dư lượng độc tố cao và cách bảo quản thực phẩm của người tiêu dùng đặc biệt trong những ngày nắng nóng…

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong năm 2018 đã xảy ra 03 vụ ngộ độc với 21 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, không có trường hợp tử vong xảy ra, nguyên nhân do nhiều xong chủ yếu là do chủ quan của người tiêu dùng trong cách chọn, chế biến và bảo quản thức ăn đặc biệt trong những ngày nắng nóng kéo dài

Thời tiết nắng nóng oi bức là điều kiện tốt cho các vi sinh vật trong thực phẩm phát triển mạnh. Vì vậy, do chủ quan và bất cẩn, nhiều người đã sử dụng các thức ăn để lâu bên ngoài, không được bảo quản tốt dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Người dân có thói quen lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm, trong môi trường bình thường bên ngoài. Khi để thực phẩm quá lâu có thể bị phân hủy, vi khuẩn xâm nhập, tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe.

1
Việc giữ thịt, cá tươi sống trong ngăn đá là cách bảo quản an toàn nhất

 

Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất chế biến vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần che đậy bảo quản cẩn thận (dùng màn bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh…). Nếu để sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng.  

Đối với thức ăn đã chín, chỉ có thể bảo quản từ 1-2 ngày. Khi dùng lại các loại thực phẩm này, nên nấu sôi lại lần nữa để tiêu diệt vi khuẩn đã thâm nhập và tồn tại trong thức ăn và không tiếp tục lưu trữ lại lần thứ hai. Không lạm dùng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn đã qua sử dụng, tránh việc mất nhiều chất dinh dưỡng và tạo các chất có hại cho sức khỏe trong thức ăn

Trên thực tế, nhiều người cho rằng, thức ăn để từ sáng đến chiều không ôi hỏng nếu mùi vị thức ăn không thay đổi, khác thường điều này hoàn toàn sai lầm rất nhiều loại thực phẩm khi bắt đầu hỏng sẽ không có bất kỳ mùi lạ nào cũng như dáng vẻ bề ngoài của chúng không hể thay đổi.

Bên cạnh đó việc giữ thịt, cá tươi sống trong ngăn đá là cách bảo quản an toàn nhất. Thói quen trữ đủ thứ thức ăn sống-chín, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh, cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm.

1
Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn rất tiện lợi cho mỗi gia đình

 

Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn rất tiện lợi cho mỗi gia đình; tuy nhiên, để đảm bảo được vệ sinh trong quá trình bảo quản thực phẩm thì phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín. Thức ăn chín bảo quản trong tủ lạnh phải được đun sôi lại trước khi dùng.   
 
Ngoài ra, khi lựa chọn các quán hàng vỉa hè, cần thận trọng với những món ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt, xôi, bún, chả lụa, bánh cuốn... là những món ăn dễ nhiễm vi khuẩn trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Có nhiều nguyên nhân đưa đến ngộ độc thực phẩm , do đó việc tìm hiểu, nhận biết được nguồn gốc cũng như nắm vững các nguyên tắc trong sử dụng và chế biến thực phẩm sẽ giúp chúng ta tránh được những tổn hại cho sức khỏe trong những ngày nắng nóng.

 

 

Hương Trà/DIENBIENTV.VN

.