Bà con dân tộc không còn sợ khi đến bệnh viện

Thứ Ba, 26/02/2019, 15:53 [GMT+7]

"Bệnh viện giờ sạch sẽ lắm. Bác sỹ thì mình đi đến đâu lại có người hướng dẫn đến đấy, khám ở đâu, đi đường nào, đóng dấu đều được hướng dẫn".

Đưa chồng xuống bệnh viện đa khoa Mường La vì bệnh viêm loét dạ dày, chị Tráng Thị Pạ, dân tộc Mông ở bản Huổi Ngùa, xã Ngọc Chiến không khỏi lo lắng. Nhà nghèo, không có tiền, không biết chữ, không biết đường đi lối lại càng làm chị bất an, đây lại là lần đầu vào viện. Phố huyện cách nhà gần 50 km, đường đi khó khăn nên hiếm khi chị ra khỏi bản.
 

1
Tủ quần áo tình thương làm ấm lòng bệnh nhân nghèo.

 

Vừa đến cổng viện, gặp nữ y tá còn rất trẻ mặc áo trắng, khuôn mặt gần gũi với nụ cười tươi thắm hỏi thăm bằng tiếng Mông, chị Pạ mừng rỡ, thấy cái bụng yên tâm hẳn. Sau khi giới thiệu tên là Vừ Thị Ánh, điều dưỡng của bệnh viện, Ánh đã hỏi thăm và đưa ngay lên khoa khám bệnh, sau đó chỉ bảo cẩn thận từng việc, giấy tờ cần đưa để làm thủ tục nhập viện. Vừa chăm chồng lại mang theo con nhỏ 7 tháng tuổi, trong khi tiếng phổ thông không biết, cần việc gì chị Pạ lại chạy ra hỏi điều dưỡng Ánh: "Nhà ở bản xa mà chỉ có mình đi chăm chồng thôi. Ở viện có nhiều bác sỹ biết tiếng mình hướng dẫn mình, giúp đỡ mình nên đỡ lo, chồng cũng yên tâm điều trị, không bỏ viện mà về sớm đâu".

Chị Lò Thị Bương ở bản Nà Noong, xã Ít Ong cho biết, lúc ở bản đưa chồng xuống bệnh viện, cả vợ cả chồng cũng lo lắm. Cách đây 5 hôm, khi đi chăn bò, anh Lò Văn Nhính bị ngã, vai trái va vào tảng đá gãy xương quai xanh. Về nhà tự băng bó, đắp lá, 2 ngày sau thấy chỗ gãy càng bị nặng hơn mới đưa nhau đi viện.  May mắn được phẫu thuật ngay nên sức khỏe đã ổn định. Chị Bương bảo, vì sợ phải chuyển ra tỉnh, nhà lại không có tiền nên không đưa chồng đi viện ngay.

"Bệnh viện giờ sạch sẽ lắm. Bác sỹ thì mình đi đến đâu lại có người hướng dẫn đến đấy, khám ở đâu, đi đường nào, đóng dấu ở đâu và lên tầng mấy, phòng nào thấy không ngại nữa. Cứ nghĩ gãy xương là phải ra tỉnh nhưng vào đây bác sỹ chữa được hết. Rất cảm ơn bác sỹ", chị Bương chia sẻ.
 

1
Bệnh viện đa khoa huyện Mường La trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân.


Trường hợp của gia đình chị Tráng Thị Pạ và Lò Thị Bương nhà ở những bản làng vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn, tâm lý lo lắng, bất an khi đến viện điều trị là tâm lý chung của rất nhiều bệnh nhân mà cán bộ, y bác sỹ bệnh viện đa khoa Mường La tiếp xúc hàng ngày. Y tá, điều dưỡng viên Vừ Thị Ánh, dân tộc Mông được nhận vào bệnh viện thử việc cách đây 6 tháng được phân đón tiếp bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân càng khó khăn lại càng được quan tâm hơn, chia sẻ hơn để họ yên tâm ở lại điều trị, không chốn viện vì phải lo lắng từ bữa cơm đến quần áo mặc. Không ít lần các y bác sỹ ở đây đã dùng đồng lương ít ỏi của mình để bà con mua cơm hay đi xe về bản.

Phó trưởng phòng kế hoạch, nghiệp vụ kiêm chủ tịch công đoàn bệnh viện đa khoa huyện Mường La Quàng Thị Thoa cho biết, cùng với bữa cơm tình thương, tủ quần áo tình thương tại bệnh viện đã được xây dựng 3 năm nay cũng xuất phát từ chính sự chia sẻ với bà con vùng cao mỗi lần đưa người thân đi nằm viện điều trị dài ngày. Những bộ quần áo được chính cán bộ, y bác sỹ bệnh viện huy động.

"Tủ này luôn có sẵn quần áo. Từ ngày có tủ quần áo tình thương thì có những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn quá thì khi đến viện mà không mang theo đồ dùng thì chúng tôi có hướng dẫn ra đấy để chọn những bộ quần áo để mặc. Việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại sự yên tâm cho người bệnh và người nhà rất nhiều", bà Thoa cho biết.

Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, những năm gần đây, nhất là từ khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính, bệnh viện đa khoa huyện Mường La đã triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật mới  như: điều trị thành công nhiều trường hợp trẻ em sinh non nhẹ cân; phẫu thuật thành công lún mâm chày hay các kỹ thuật mổ nội soi khó… Đặc biệt nhất là đã đầu tư máy móc xét nghiệm ung thư sớm. Đây là bệnh viện đầu tiên của tỉnh Sơn La có dịch vụ này. Điều góp phần thu hút được ngày một đông người bệnh đến điều trị, giảm tình trạng chốn viện, bỏ dở điều trị vì quá khó khăn, trở thành địa chỉ tin cậy cho nhân dân.

Giờ đây, vợ chồng chị Tráng Thị Pạ; Lò Thị Bương đã trở về với cuộc sống khó khăn thường nhật nơi bản làng. Nhưng câu chuyện về tinh thần trách nhiệm, tình cảm và tấm lòng nhân ái của các y, bác sĩ bệnh viện đa khoa Mường La là niềm vui không chỉ trong lòng họ, mà nó còn là câu chuyện được người dân trong bản truyền tai nhau, không còn lo khi phải xuống viện như trước.

Tấm lòng nhân ái, sự gần gũi chính là sợi dây nối những bản làng xa xôi lại gần hơn với thị trấn phố huyện nhộn nhịp./.

 

 

Theo Thanh Thủy-Thu Thùy/VOV

.