Tiêm vaccine là có phản ứng- Làm gì để hạn chế tử vong? ​

Chủ Nhật, 13/01/2019, 09:15 [GMT+7]

Bộ Y tế khẳng định, đã tiêm vaccine là có phản ứng, nhưng vẫn phải tiêm vì lợi ích phòng bệnh cho cộng đồng lớn hơn so với một tỷ lệ nhỏ trẻ bị tai biến.
 
Hai trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine ComBE Fvie tại Nam Định cuối tháng 12 năm 2018 đã được Hội đồng chuyên môn kết luận không liên quan đến tiêm chủng và không rõ nguyên nhân nhưng vẫn khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo ngại. Ngày 9/1 vừa qua lại một trẻ ở Thạch Thất (Hà Nội) tử vong sau khi tiêm vaccine này.

Đặc biệt, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định đã tiêm vaccine là có phản ứng, nhưng vẫn phải tiêm vì lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh cho cộng đồng lớn hơn so với một tỷ lệ nhỏ trẻ bị tai biến. Vậy làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine.
 

1
Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ.


Theo quy trình của Bộ Y tế, trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế sẽ  hỏi tiền sử và các thông tin có liên quan đến sức khỏe hiện tại của trẻ. Sau đó quan sát và khám sàng lọc. Nếu trẻ bị ốm, sốt, suy giảm miễn dịch, dị ứng với trứng hoặc thời tiết lạnh dưới 10 độ C sẽ không đủ điều kiện tiêm vaccine.

“Hôm nay em đưa cháu đi tiêm vaccine ComBE Five. Tháng trước cháu bị ho, xổ mũi nên bác sĩ hoãn tiêm nên tháng này mới tiêm”, chị Nguyễn Thị Hợi ở thành phố Yên Bái cho biết.
 

1
Buổi tiêm chủng tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.


Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ bận việc đã nhờ ông bà đưa cháu đi tiêm nhưng không cung cấp được cho y bác sĩ đầy đủ thông tin về sức khỏe cũng như tình trạng sử dụng thuốc của trẻ trước đó.

“Nay bố mẹ cháu đi làm nên tôi là bà nội cháu đưa cháu đi tiêm. Cũng chẳng biết hôm nay cháu tiêm vaccine gì. Nay là ngày tiêm chủng nhưng bố mẹ cháu vẫn phải làm việc tại công ty nên tôi đưa cháu đi, không biết tiêm vaccine gì”, một người đưa cháu đi tiêm chủng cho biết.

Không ít bậc phụ huynh thấy trẻ ốm, sốt vẫn đưa đi tiêm chủng, thậm chí đưa trẻ đi tiêm vaccine khi vừa cho trẻ uống thuốc hạ sốt, khiến các y, bác sĩ gặp khó khăn trong việc khám sàng lọc.

“Chúng tôi đã gặp một số trường hợp đưa trẻ đến tiêm chủng nhưng trước đó mẹ cháu cho uống thuốc hạ sốt nhưng ông bà đưa cháu đi tiêm nên khám sàng lọc không phát hiện ra cháu bị sốt. Do vậy quá trình khám và tư vấn trước khi tiêm, chúng tôi phải hỏi rất kỹ các bà mẹ. Trong trường hợp ông bà đưa cháu đi tiêm thì chúng tôi xin số điện thoại của mẹ cháu để hỏi”, Bác sĩ Phạm Thị Thủy, Trạm trưởng trạm Y tế xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cho biết.
 

1
Bộ trưởng Y tế kiểm tra tiêm chủng tại xã Phú Nghĩa- Chương Mỹ- Hà Nội.


Theo bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, không có vaccine nào là an toàn tuyệt đối. Do vậy ngoài việc theo dõi sức khỏe của trẻ 30 phút sau khi tiêm vaccine tại trạm y tế, cần theo dõi trẻ trong 48 giờ tiếp theo tại gia đình.

Khi trẻ có những biểu hiện sốt cao từ 39°C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú, chân tay lạnh...cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

“Nếu thấy trẻ có các biểu hiện bất thương thì cần đưa trẻ đến trạm y tế. Đừng đưa trẻ lên bệnh viện truyến trên xa xôi. Hiện nay các trạm y tế xã đã được tập huấn phác đồ chống sốc, tiêm thuốc Adrenalin. Xử trí ban đầu rồi hãy đưa trẻ lên tuyến trên”, BS Dương Thị Hồng cho hay.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của những địa phương có tỷ lệ trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm vaccine thấp thì khâu khám sàng lọc trước khi tiêm phải được thực hiện kỹ lưỡng và cán bộ y tế phối hợp với gia đình theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: “Nhân viên y tế và cộng tác viên tiêm chủng của chúng tôi đã trao đổi số điện thoại với bố mẹ các cháu để hỏi thăm tình hình sức khỏe và tư vấn kịp thời khi cháu bé có những phản ứng thông thường hoặc phản ứng nặng. Tỉnh Yên Bái tiêm vaccine ComBE Five từ tháng 11 năm ngoái, đến nay chủ yếu ghi nhận tỷ lệ trẻ bị phản ứng thông thưòng với tỷ lệ 13%, một số trường hợp phản ứng nặng hơn đều xử trí kịp thời, chưa có trường hợp nào bị phản ứng phải vượt lên tuyến trên mà chúng tôi không biết ”.

Trong năm 2018 cả nước có gần 27.800 trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng, trong đó có 32 trường hợp phản ứng nặng và 3 trẻ trong số này đã tử vong. Theo Bộ Y tế vaccine ComBE Five có thành phần tương tự như vắc xin Quinvaxem với tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào: sốt từ 38-39°C chiếm tới 44,5%.

Các phản ứng nặng như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ chiếm tỷ lệ 20 trường hợp trên 1 triệu trẻ tiêm vắc xin. Tuy nhiên, nếu được xử trí kịp thời thì sẽ hạn chế  thấp nhất tỷ lệ tử vong sau tiêm chủng./.

 

 

Theo Văn Hải/VOV

.