Kết nối mạng lưới nhà thuốc có chống được kháng thuốc kháng sinh?

Chủ Nhật, 16/09/2018, 09:15 [GMT+7]

Bộ Y tế đang triển khai đề án nối mạng các nhà thuốc, quầy thuốc để quản lý bán thuốc theo đơn.
 
Các chuyên gia y tế đã nêu thực trạng đáng báo động về kháng kháng sinh tại nước ta. Khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đang triển khai đề án nối mạng các nhà thuốc, quầy thuốc để quản lý bán thuốc theo đơn.
 

1
(Ảnh minh họa)



Đây được xem là biện pháp quan trọng để chống kháng kháng sinh. Thế nhưng, liệu việc nối mạng nhà thuốc có đem hiệu quả như mong muốn, khi mà nhiều biện pháp khác được xem là phần gốc của vấn đề vẫn chưa được triển khai?

Quầy thuốc của gia đình ông Trần Minh Viện ở thành phố Hưng Yên là một trong những đơn vị được Sở Y tế tỉnh Hưng Yên chọn thí điểm kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc.

Ở tuổi hơn 70, việc cập nhật danh mục thuốc vào phần mềm trên máy tính đối với ông Viện còn không khó khăn bằng việc thuyết phục người dân mua kháng sinh phải có đơn.

Ông Viện nói: “Tôi cứ kiên trì giải thích là người dân nên đi khám bệnh, có đơn thuốc rồi về đây tôi bán thuốc cho, nhưng làm như vậy mất khách là chuyện đương nhiên”.

Tương tự như vậy, chị Đỗ Thị Kim Hưng, Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc cho biết, từ khi thành phố Phúc Yên được tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn thực hiện thí điểm bán thuốc theo đơn, các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn bị sụt giảm doanh thu rõ rệt.

Bởi lẽ mỗi lần yêu cầu xuất trình đơn thuốc là thêm một lần quầy thuốc mất đi một khách hàng vì những quầy thuốc ở nơi khác vẫn bán kháng sinh không cần đơn.

Chị Đỗ Thị Kim Hưng nói: “Theo tôi, phải thực hiện việc bán thuốc theo đơn đồng loạt trong cả nước, bởi khi nơi làm nơi chưa rất ảnh hưởng đến doanh thu của chúng tôi. Bây giờ hiệu thuốc yêu cầu có đơn mới được mua thuốc kháng sinh thì người dân họ đi chỗ khác”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, việc thực hiện bán thuốc theo đơn nói riêng, kết nối mạng hiệu thuốc nói chung tại tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc nên việc kiểm soát bán thuốc theo đơn rất khó.

Mức xử phạt vi phạm về bán thuốc kê đơn chưa đủ sức răn đe. Đối với hành vi bán thuốc bắt buộc phải có đơn như kháng sinh mà không có toa của bác sĩ chỉ bị phạt 200.000-500.000 đồng, nhưng ít khi bắt gặp, xử lý được”, ông Nguyễn Thanh Hải thông tin.

Khi thực hiện kết nối mạng, những đơn thuốc của người bệnh sẽ được lưu quầy thuốc nên có thể tránh được tình trạng người dân mượn đơn của người khác để đi mua thuốc.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết đơn thuốc chỉ có chữ ký của bác sĩ hoặc chỉ được đóng dấu treo của bệnh viện nên rất dễ làm giả. Vậy quản lý vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: “Bộ đã giao cho Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh nghiên cứu để ban hành thông tư về kê đơn thuốc. Trên đơn phải ghi họ tên đầy đủ của người mua thuốc, bị bệnh gì, dùng loại thuốc gì…

Làm thế nào để có đơn, việc này Bộ Y tế sẽ lo. Việc hiệu thuốc có bán thuốc theo đơn không thì đó là trách nhiệm của các Sở Y tế. Đến năm 2020, tất các nhà thuốc phải hoàn thành nối mạng. Đến đầu năm 2021 tất cả các quầy thuốc phải nối mạng”.

Việc quản lý thuốc ở Việt Nam đang được đánh giá là lỏng lẻo bậc nhất thế giới. Người dân mua được thuốc kháng sinh dễ như mua rau tại bất cứ hiệu thuốc nào.

Việc lạm dụng kháng sinh với lượng thuốc tăng gấp 2 lần so với 10 năm trước, đang tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc ngày càng mạnh hơn… Triển khai kết nối mạng nhà thuốc và bán thuốc theo đơn là cần thiết nhưng cái gốc của vấn đề là giảm tải bệnh viện, bắt buộc thực hiện kháng sinh đồ trước khi kê đơn và phải kiểm soát dư lượng kháng sinh trong thực phẩm thì mới giải quyết dứt điểm được tình trạng kháng thuốc hiện nay./.

 

 

Theo Văn Hải/VOV

.