Không được né tránh khi có sự cố y khoa

Thứ Ba, 21/08/2018, 07:42 [GMT+7]

“Nhân viên các cơ sở y tế, bệnh viện cần có kỹ năng, thái độ ứng xử với người bệnh, không né tránh trách nhiệm, không đổ lỗi khi có sự cố xảy ra".
 
Đó là đề nghị của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với sự cố y khoa trong lĩnh vực sản – nhi diễn ra sáng 20/8 tại TP HCM.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 134 sự cố y khoa trong lĩnh vực sản – nhi được phản ánh, trong đó có 45 trường hợp tử vong mẹ, 16 trường hợp tử vong trẻ sơ sinh, 23 sự cố kế hoạch hóa gia đình và các sự cố khác. Trong đó, băng huyết sau sinh là tai biến phổ biến nhất trong lĩnh vực sản khoa do sự cố này không thể tiên lượng trước, diễn tiến bệnh rất nhanh.

Riêng tại Bệnh viện Từ Dũ, năm 2017 có đến gần 400 ca liên quan đến băng huyết sau sinh do nhau tiền đạo và nhau cài răng lược.
 

1


Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, hiện nay, kỹ thuật xử trí đối với các trường hợp này hiện nay đã có nhiều tiến bộ, giảm thiểu nguy cơ tai biến sản khoa.

"Khuynh hướng của những năm trước đây gần như cắt cổ tử cung của bệnh nhân. Nhưng từ năm 2017, 2018, chúng tôi đã có phương pháp mổ để bảo tồn lại tử cung cho phụ nữ có nhau cài răng lược và nhau tiền đạo, nhờ chủ động được thời điểm mổ lấy thai, phối hợp với ngân hàng máu, ekip gây mê hồi sức, với nhà niệu khoa. Tức là điều trị đa mô thức có nhiều chuyên ngành phối hợp chung".

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, phần lớn sự cố y khoa là do nhân viên y tế chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chuyên môn như: khám thai không đủ chín bước, xử trí các trường hợp có nguy cơ không đúng quy định, quy trình theo dõi chuyển dạ, theo dõi sát bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau đẻ chưa được thực hiện chặt chẽ…

Bên cạnh đó là các hạn chế về năng lực, như không phát hiện bất thường khi khám thai, xử trí không đúng, phát hiện muộn dấu hiệu nguy hiểm, chẩn đoán và tiên lượng sai, không phát hiện bệnh lý đi kèm.

Tuy nhiên, thái độ ứng xử, giải quyết của cơ sở y tế khi có sự cố, tai biến xảy ra như đùn đẩy trách nhiệm, quy kết đổ lỗi cá nhân, thiếu thông tin chia sẻ là nguyên nhân khiến gia đình người bệnh bức xúc.

Những vấn đề này phải được các bệnh viện chấn chỉnh trong thời gian tới để giảm thiểu rủi ro, hạn chế các vụ khiếu nại liên quan đến giải quyết các sự cố y khoa./.

 

 

Theo VOV

.