Cách phát hiện sớm ung thư đại tràng

Thứ Hai, 09/04/2018, 10:16 [GMT+7]

Ung thư đại tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến, rất dễ mắc phải nhưng không phải ai cũng biết cách phát hiện sớm ung thư đại tràng.
 


Ung thư đại tràng rất nguy hiểm và gây tử vong nhanh chóng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Để biết mình có mắc ung thư đại tràng hay không bạn có thể áp dụng các phương pháp như:

Phát hiện sớm qua các dấu hiệu bệnh

Ung thư đại tràng thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng cụ thể như:

- Rối loạn tiêu hóa kéo dài

- Đi ngoài ra máu
 
- Đau quặn bụng

- Giảm cân đột ngột

- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân

Các triệu chứng ung thư đại tràng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa nên nhiều người còn chủ quan không đi khám để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Tới bệnh viện, các bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng cảnh báo bệnh để chẩn đoán sơ qua tình trạng sức khỏe. Từ đó chỉ định làm các xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu khác nhằm phát hiện sớm ung thư đại tràng.

Phát hiện sớm bệnh qua tầm soát ung thư

Tầm soát ung thư là biện pháp hiệu quả giúp phát hiện sớm bệnh ngay từ khi chưa có triệu chứng cụ thể. Những đối tượng sau cần tiến hành tầm soát sớm ung thư đại tràng:

- Người từ 40 tuổi trở lên.

- Người dưới 40 tuổi có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng
 
- Người có hội chứng đa polyp tuyến

- Người mắc các bệnh Crohn, bệnh viêm ruột mạn tính…

- Người bị viêm loét đại tràng không được điều trị triệt để

- Những người có triệu chứng nghi ngờ ung thư đại trực tràng: có máu trong phân, rối loạn tiêu hóa kéo dài, phân hẹp hơn bình thường…

Tầm soát ung thư đại tràng được khuyến khích cho tất cả những người từ 40 tuổi trở lên.

Các phương pháp giúp phát hiện sớm ung thư đại tràng

Để chẩn đoán ung thư đại tràng, trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng nhằm tìm hiểu về tiền sử bản thân và gia đình người bệnh, sờ nắn vị trí đau đại tràng để tìm kiếm khối u.

Người bệnh cần được làm các xét nghiệm chuyên sâu khác để chẩn đoán chính xác bệnh như:

- Xét nghiệm máu: Để xác định chất chỉ điểm ung thư CEA

- Xét nghiệm tìm máu trong phân
 
- Nội soi đại tràng: giúp quan sát toàn bộ đại tràng nhằm phát hiện sớm ung thư.

- Chụp X-quang: Giúp quan sát toàn diện đại tràng xem có sự hiện diện của các khối u và các tế bào ung thư không.

- Siêu âm, chụp CT/MRI/PET: Giúp xác định vị trí, kích thước và các tổ chức xung quanh khối u, xác định khối u có di căn không để đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp

- Sinh thiết: Sinh thiết có thể được thực hiện trong quá trình nội soi đại tràng, hoặc nó có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật.

Ung thư đại tràng nếu được phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi có thể đạt 90%. Vì thế những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cần chủ động tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể (nếu có).

 

 

Theo VTV
 

.