Thai ngoài tử cung nguy hiểm tới mức nào?

Thứ Năm, 15/03/2018, 14:42 [GMT+7]

Thai ngoài tử cung là trường hợp trứng được thụ tinh, làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung. Thai ngoài tử cung chiếm 1-2% thai nghén.
 

Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ (4-10%). Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong mẹ giảm trong những năm trở lại đây do chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Để hiểu rõ hơn về trường hợp mang thai ngoài tử cung, Tiến sĩ Lê Minh Châu, Hội đồng chuyên môn, Chuyên khoa Phụ sản - Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã có những thông tin chia sẻ sau đây:

Vị trí thai ngoài tử cung thường gặp

Thai ngoài tử cung có thể là ở vòi tử cung, buồng trứng hoặc trong ổ bụng, trong ống cổ tử cung. Thai ở buồng trứng và trong ổ bụng rất hiếm gặp. Trong đó, vòi tử cung chiếm 95 - 98%, buồng trứng: 0,7 - 1%, ống cổ tử cung: 0,5 - 1% , ổ bụng: hiếm gặp. Nếu chửa ở vòi tử cung, phôi có thể làm tổ ở 4 vị trí khác nhau: Đoạn bóng: 78%, đoạn eo: 12%, đoạn loa: 5%, đoạn kẽ: 2%.

Tiêu chuẩn chẩn đoán ngoài tử cung

Chẩn đoán thai ngoài tử cùng thường dựa vào các triệu chứng sau:

- Các biểu hiện thường gặp:

+ Tắt kinh: hay có khi chỉ chậm kinh vài ngày hoặc có rối loạn kinh nguyệt, có thể có dấu hiệu nghén, vú căng.

+ Đau bụng: vùng hạ vị, một bên, âm ỉ.

+ Ra huyết: Huyết ra ít một, rỉ rả, màu nâu đen, có khi lẫn màng, không đông.

- Triệu chứng thăm khám:

+ Cổ tử cung hơi tím, mềm, đóng kín, có máu đen từ trong lòng tử cung ra.

+ Tử cung lớn hơn bình thường, mềm, nhưng không tương xứng với tuổi thai.

+ Có khối u cạnh tử cung mềm, bờ không rõ, di động, chạm đau hoặc hiếm hơn có thể sờ thấy khối u có dạng hơi dài theo chiều dài của vòi tử cung

- Cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm):

+ hCG: Định tính hCG chỉ gợi ý có hoạt động của tế bào nuôi giúp xác định có thai, tuy nhiên khi hCG âm tính ta cũng chưa loại trừ được thai ngoài tử cung. Định lượng nồng độ β- hCG thấy nồng độ hCG thấp hơn so với thai nghén bình thường.

+ Siêu âm: Không có túi thai trong buồng tử cung, có khối âm vang hỗn hợp hoặc có hình ảnh túi thai ngoài tử cung. Có thể có hình ảnh tụ dịch ở cùng đồ sau, hoặc trong ổ bụng (tuỳ lượng dịch và máu chảy ra). Nếu siêu âm đường bụng nghi ngờ phải siêu âm đường âm đạo để kiểm tra.

+ Soi ổ bụng: Đây là phương pháp giúp xác định chẩn đoán và xử trí.

Hướng điều trị thai ngoài tử cung

- Khi được chẩn đoán thai ngoài tử cung, thai phụ được chỉ định sử dụng thuốc chống tăng sinh tế bào của nhóm antifolic.

- Đồng thời được chỉ định phẫu thuật theo một trong những cách sau:

- Điều trị tận gốc: Cắt bỏ vòi tử cung đến sát góc tử cung và giữ lại buồng trứng, lau sạch ổ bụng, nếu sản phụ đã đẻ nhiều lần và/ hoặc sản phụ có tiền sử thai ngoài tử cung nhiều lần (và không mong muốn sinh thêm con) thì triệt sản luôn vòi tử cung bên đối diện, đóng bụng, không cần dẫn lưu.

- Điều trị bảo tồn: Nếu thai phụ còn trẻ, chưa có con, tình trạng vòi tử cung bên kia bất thường và tổn thương vòi tử cung cho phép, tiến hành xẻ vòi tử cung, hút hoặc lấy bọc thai ra và cầm máu.

- Phẫu thuật nội soi: Thường chỉ định và ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi trong những trường hợp thai ngoài tử cung thể đơn giản và chưa có biến chứng.

Tiến sĩ Lê Minh Châu khuyến cáo: Thai ngoài tử cung là một cấp cứu cần được phát hiện sớm và chuyển tuyến để được điều trị sớm ở cơ sở có khả năng phẫu thuật. Vì vậy, nếu thai phụ thấy có biểu hiện kinh bất thường về màu sắc kinh, kèm theo đau bụng cần đi khám để chẩn đoán phân biệt với sẩy thai, chửa trứng, viêm phần phụ, vỡ nag De Graap (khó phân biệt và hiếm), hay viêm ruột thừa, khối u buồng trứng xoắn,... từ đó có hướng xử trí kịp thời và hiệu quả nhất.

 

 

Theo VTV

.