Điện Biên

98,7% cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ Hai, 26/03/2018, 14:35 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhằm bảo đảm tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm. Trong Qúy I năm 2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã thanh, kiểm tra 82 cơ sở, trong đó: 81/82 cơ sở đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm đạt 98,7%, 1 cơ sở không đạt yêu cầu không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo chất lượng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế đã thực hiện 1 đoàn thanh tra liên ngành Tết Nguyên đán Mậu Tuất và 7 tổ, đoàn kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch và Lễ hội Hoa Anh Đào, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018.

1
Cán bộ đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra nhanh vệ sinh an toàn thực phẩm tại Khách sạn Mường Thanh, T.P Điện Biên Phủ. ảnh: KT

 

Nội dung kiểm tra gồm: Hồ sơ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận sức khỏe đối với chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh; hồ sơ theo dõi chất lượng sản phẩm, chất lượng hàng hóa; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người); quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là hàng hóa hết hạn sử dụng và yêu cầu cơ sở tiêu hủy tại chỗ trước sự chứng kiến của Đoàn thanh tra. Trong quá trình thanh, kiểm tra các đoàn thực hiện kiểm tra test nhanh tinh bột, độ ôi khét dầu mỡ với tổng số test đã tiến hành thực hiện 1.867 test, trong đó 1.804 test đạt yêu cầu, 63 test không đạt yêu cầu. Nguyên nhân không đạt chủ yếu do tồn dư dầu mỡ, tinh bột trên dụng cụ thiết bị và ôi khét dầu mỡ.

Để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm thủy sản, Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức: tổ chức 167 buổi nói chuyện trực tiếp với 3.658 lượt người nghe, phát thanh qua loa đài của tỉnh, huyện, xã.

Thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, góp phần đảm bảo tình hình kinh tế, xã hội của địa phương./.
                                                                                                  

 

 

Thúy Hằng

.