Rượu đạt chuẩn cũng gây ngộ độc nếu uống nhiều

Thứ Năm, 15/02/2018, 15:09 [GMT+7]

Những bệnh nhân ngộ độc rượu độc methanol còn có cả những bệnh nhân uống rượu đạt chuẩn.
 
Trước trong và sau tết là thời điểm bệnh nhân ngộ độc rượu tăng cao. Những tuần gần đây, ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu, xuất huyết tiêu hóa vào khoa Cấp cứu, Trung tâm Chống độc và khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai. Bên cạnh những bệnh nhân ngộ độc rượu độc methanol còn có cả những bệnh nhân uống rượu đạt chuẩn.
 

1
Ngộ độc rượu độc methanol còn có cả những bệnh nhân uống rượu đạt chuẩn.


Năm 2017, cả nước có 115 người phải nhập viện vì ngộ độc rượu, trong đó 11 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, còn có những người nhập viện điều trị các bệnh mạn tính liên quan đến rượu, bia. Riêng tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm điều trị hơn 2.000 bệnh nhân xơ gan do lạm dụng rượu, bia và số ca nhập viện có xu hướng tăng đột biến trong dịp Tết nguyên đán. Nhiều bệnh nhân điều trị viêm gan, xơ gan, xuất huyết tiêu hóa tới 13 lần.

Bác sỹ Lê Quang Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, lạm dụng rượu vang và những loại rượu đạt chuẩn khác đều có thể gây ngộ độc và tổn thương gan: "Bia, rượu nói chung có hại nhiều hơn có lợi. Dù bia hay rượu với nồng độ, hương vị là gì thì bản chất vẫn là ethanol. Do vậy nếu, bia hay rượu vang uống quá nhiều đều gây hại cho gan và toàn bộ cơ thể. Trên thế giới, mỗi nước khác nhau có khuyến cáo cho phép uống bia rượu với tổng lượng khác nhau, nhìn chung dao động từ 10 - 40 g/ngày. Theo tôi, chúng ta nên uống ở mức phù hợp với từng thể trạng của mỗi người, và tuyệt đối không được lạm dụng. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính (xơ gan, đái tháo đường, cao huyết áp...), phụ nữ có thai, trẻ em, lái xe... thì không được uống”.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, không nên uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới, tương đương không quá 2 chén rượu hoặc 2 cốc bia mỗi ngày và không uống quá 5 ngày trong một tuần./.

 

 

Theo VOV

.