Người "gieo mầm" hy vọng cho bệnh nhân suy tạng ở Việt Nam

Chủ Nhật, 18/02/2018, 14:57 [GMT+7]

Không chỉ được mệnh danh là bàn tay “vàng” của ngành ngoại khoa, GS.TS Trịnh Hồng Sơn còn là chuyên gia đầu ngành về phát triển ghép tạng ở Việt Nam.
 
Được mệnh danh là bàn tay “vàng” của  ngành ngoại khoa, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia còn là một chuyên gia đầu ngành về phát triển ghép tạng ở Việt Nam - một thành tựu đỉnh cao của y học, khi mỗi năm số người suy tạng được hồi sinh ngày một tăng nhờ ghép mô tạng.
 

1
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia


Làm điều tốt nhất cho người bệnh

GS.TS Trịnh Hồng Sơn đã hơn 30 năm gắn bó với ngành ngoại khoa, bệnh nhân (BN) của ông đều là những ca bệnh khó, có lúc phải can thiệp cắt 3 - 4 tạng vì ung thư di căn… Với bất cứ BN nào, dù giàu sang hay nghèo hèn hay ở tuyến cơ sở gửi lên, GS.TS Trịnh Hồng Sơn đều quan tâm, hỏi han ân cần. Đặc biệt, ông có thói quen ghi chép những ca mình theo dõi, kể cả những ca khó mà bệnh viện (BV) tuyến dưới xin ý kiến hội chẩn, rồi sau đó gọi lại xem BN đã tốt chưa. Ông quan niệm, sức khỏe của người bệnh là số 1.

Giáp Tết Đinh Dậu 2017, ông Phạm Duy Hưng ở Định Công, Hà Nội phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, mất 2/3 máu do bị xuất huyết tiêu hóa, khi khối u ruột non bị vỡ. Sau khi được điều trị tích cực tại BV Hữu Nghị (Hà Nội), ông Hưng lên bàn mổ trong tâm trạng “hên, sui”. Ca mổ kéo dài từ 16-21h. Đến khi tỉnh lại nhìn thấy, nghe thấy tiếng người thân ông mới tin là mình còn sống!

Ông Hưng xúc động: “Tôi không thể quên giọng nói nhẹ nhàng, sự hỏi han ân cần trước và sau khi ra viện của bác sĩ Sơn. Tôi càng cảm phục và trân trọng sự tận tâm vì người bệnh của bác sĩ Sơn: Trước ca mổ cho tôi, bác sĩ vừa mổ xong cho một BN bị ung thư dạ dày, phải cắt bỏ, nối ruột trực tiếp lên thực quản. Sau ca mổ cho tôi, ông cũng chỉ nghỉ ít phút rồi lại thực hiện một ca đại phẫu khác thâu đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Xong việc ở BV Hữu Nghị, ông lại trở về BV Việt - Đức, với kín lịch những ca đại phẫu cũng như ca khó ở BV tuyến cơ sở đang đợi ông. Đã bao đêm ông thức trắng, căng thẳng từng phút giây, đứng ròng trong phòng mổ. Sức dẻo dai của thể chất trời phú cho ông hay sức mạnh của tinh thần, của lương tâm người thày thuốc đã tiếp sức cho ông?!”.
 
Nhìn ánh mắt vui mừng của ông Hưng và những BN đang được bác sĩ Sơn điều trị khi sức khỏe dần được cải thiện, tôi cảm thấy họ như nhận được cái “phúc” mà GS.TS Trịnh Hồng Sơn trao cho. Nhắc đến những lời biết ơn từ người bệnh, ông chỉ mỉm cười. Ông quan niệm: “Vì đấy là nhiệm vụ. Làm khoa học, điều mà chúng tôi quan tâm nhất là làm thế nào BN được an toàn tuyệt đối cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi chỉ có một mong mỏi làm sao giúp được những người suy tạng nặng đang mòn mỏi chờ nguồn tạng để ghép”.

“Điều tôi quan tâm là làm thế nào để có nguồn tạng”

Khi hỏi về thành tựu ghép tạng ở Việt Nam - như chạm “đúng mạch” của GS.TS Trịnh Hồng Sơn - ông nói như… lên đồng. Ông cho biết, ghép tạng đòi hỏi phải đồng bộ 4 quá trình: chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật và theo dõi chăm sóc sau ghép. Giai đoạn đầu chỉ tiến hành ở một số nước phát triển có nền y học tiên tiến. Trong 4 quá trình trên thì khâu chuẩn bị nhân lực kỹ thuật, chăm sóc sau ghép tại nước ta đang thực hiện rất tốt với trình độ đã ngang tầm thế giới.

Hiện nước ta có 18 cơ sở đủ điều kiện tiến hành ghép tạng theo quy định của pháp luật. Tính đến ngày 31/12/2017, số BN được ghép tạng trên cả nước lên tới 2.857 ca. Mặc dù số ca ghép có tăng sau mỗi năm, nhưng con số này vẫn khiến ông chưa vui, bởi số nguồn mô tạng hiện còn khan hiếm.

Giáo sư Sơn gắn bó với ngoại khoa từ khi ra trường và theo đuổi từ năm 1997 khi có cơ hội tu nghiệp về ghép gan, ghép tạng ở Pháp. Có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…, ông nhận thấy một nghịch lý đang tồn tại ở Việt Nam khi hàng nghìn BN suy thận, suy gan, suy tim… giai đoạn cuối đăng ký chờ ghép tại các cơ sở y tế mà nguồn tạng từ người chết não lại không được tận dụng.
 
“Phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới, nguồn tạng hiến chủ yếu từ người chết não thì Việt Nam, nguồn tạng hiến chủ yếu từ người cho sống. Tại đa phần các nước tiên tiến, người chết não ngày càng ít dần thì Việt Nam người chết não lại khá nhiều (hằng năm có hàng nghìn người chết não do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, bệnh lý mạch não…). Người dân các nước tiên tiến rất tự nguyện, ủng hộ hiến tạng từ người cho chết não thì Việt Nam đa phần người thân của người chết não (nhất là chết não do TNGT) từ chối hiến tạng…”, GS. Sơn cho biết.

Ông cũng đưa ra nhiều kế hoạch phải được ưu tiên đầu tư, thực hiện khi quá trình chuẩn bị người cho tạng tại Việt Nam được đánh giá là khâu yếu nhất hiện nay. Cụ thể, làm sao để các tầng lớp nhân dân hiểu được hiến tạng từ người cho chết não là việc làm nhân đạo, tử tế, nghĩa hiệp, vì nước, vì dân, yêu nước, thương nòi…

Đang say sưa nói, ông nổi hứng rút ra tập giấy đăng ký hiến mô tạng, hồ hởi: “Bất kể lúc nào, kể cả đi giảng bài hay nói chuyện chuyên đề… tôi và đồng nghiệp luôn mang theo tập giấy này. Dù có lúc ra về được vài phiếu, có khi chẳng được phiếu nào, nhưng đến cuối đời, tôi vẫn muốn làm việc đó”.

Và những dự định…

GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết những dự định tới đây sẽ “học tập mô hình của Mỹ kết hợp với Nhật Bản và kinh nghiệm của Trung Quốc”. Bởi nhờ hoạt động hiệu quả của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia Nhật Bản mà ngành ghép tạng Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Mô hình quản lý và điều phối của Nhật được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là mô hình chuẩn để các quốc gia trên thế giới áp dụng.

“Tôi sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào để tuyên truyền cho người dân hiểu về việc cho tạng, giúp đội ngũ bác sĩ trẻ nâng cao trình độ nhận biết về chẩn đoán chết não và lấy tạng cũng như chuyển giao kỹ thuật để có nhiều cơ sở thực hiện được ghép tạng thường quy. Mong các cấp, bộ, ngành cùng vào cuộc để các BV tuyến cơ sở (là nơi thu gom tạng) khi có người bị chết não hoặc đang tiềm tàng thì báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Như thế vừa tránh quá tải, vừa có nhiều nhân tài mà chính người bệnh sẽ được hưởng”.

Tâm nguyện này của GS.TS Trịnh Hồng Sơn nuôi dưỡng niềm tin, niềm hy vọng về cuộc sống tươi sáng cho những bệnh nhân suy tạng./.

 

 

Theo V0V

.