Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Nâng cao ý thức người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Thứ Bảy, 10/02/2018, 15:54 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là yếu tố quan trọng mang tính quyết định bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm của các cơ quan chức năng là chưa đủ, mà điều quan trọng nhất vẫn là ý thức người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thức ăn đường phố thường tiện lợi đối với người tiêu dùng, nhất là những người công việc bận rộn. Dẫu vậy, thức ăn đường phố lại tiềm ẩn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm với nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Người bán thiếu kiến thức về VSATTP; môi trường bị ô nhiễm do các phương tiện thường xuyên lưu thông trên đường; cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết được những điều kiện của người bán thức ăn đường phố; thức ăn không được che đậy bảo quản cẩn thận hoặc dụng cụ che đậy, bảo quản không đúng quy định…

1
Phần lớn người sản xuất, kinh doanh đã quan tân đến vấn đề đảm bảo VSATTP nhưng cũng không ít người còn cố tình hoặc nhận thức chưa cao trong buôn bán thực phẩm. Trong ảnh: Thực phẩm chín bày bán ngay gần khu vực chợ Trung tâm I, TP. Điện Biên Phủ không có vật dụng che đậy.

 

 

Còn nhớ năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 34 ca mắc (tăng 4 vụ so với năm 2015). Nguyên nhân ngộ độc được các cơ quan chức năng xác định do ăn phải thực phẩm biến chất, cá suối nhiễm hóa chất... Trong số 5 vụ ngộ độc trên, điển hình nhất là vụ ngộ độc bún tại quán Hải Long (phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ) với 5 ca mắc. Rất may không có trường hợp tử vong. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc với 3 ca mắc. Kết quả đó cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố đã được nâng lên rõ rệt.

TP. Điện Biên Phủ là nơi đông dân cư song các dịch vụ ăn uống phong phú, nhiều nhà hàng, quán ăn cơ bản đảm bảo yêu cầu về VSATTP. Trong tổng số 423 cơ sở (115 cơ sở ăn uống, bếp ăn tập thể; 308 cơ sở thức ăn đường phố), các cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra 608 lượt cơ sở, trong đó chỉ 59 lượt cơ sở vi phạm (chiếm 9,7%).

Chị Phạm Hoài Anh, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, bộc bạch: Nguy cơ không an toàn thực phẩm nói chung, thức ăn đường phố nói riêng đã được các cơ quan truyền thông, ngành chức năng khuyến cáo nhiều. Do đó, mỗi khi quyết định mua thực phẩm hoặc đi ăn ở các quán ăn, tôi thường rất cẩn thận. Có thế mới đảm bảo được sức khỏe cho gia đình và bản thân.

Còn Anh Hoàng Văn T., chủ quán ăn trên đường Nguyễn Chí Thanh, phường Mường Thanh, chia sẻ: Trước đây, do nhận thức về kinh doanh còn hạn chế nên nhiều khi thực phẩm mình bán cho khách hàng vẫn chưa đảm bảo vệ sinh lắm. Song qua thời gian, được các cơ quan chức năng nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn… nên giờ đây chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Chính vì thế, hiện nay khách hàng đến với quan rất đông.

Để thay đổi được tư duy, nhận thức và hành động của người tiêu dùng cũng như các hộ kinh doanh, sản xuất, năm qua các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, kiểm soát. Theo đó năm 2017, các cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra 5.214 cơ sở, trong đó, 86,3% cơ sở đạt yêu cầu. Một số cơ sở chưa đạt yêu cầu chủ yếu do chưa đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; dụng cụ chưa thức ăn chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh theo quy định về VSATTP.

Bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho rằng, công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chính của các cơ quan chức năng vẫn sẽ được tăng cường và diễn ra thường xuyên song ý thức người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mới là điều quan trọng. Chính vì thế, để đảm bảo VSATTP, bảo vệ sức khỏe cho cộng động, nhất thiết phải bắt đầu từ ý thức người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, sản xuất.

 

 

 

CTV -  Văn Quyết

.