Ứng phó với HIV tại Việt Nam nhìn từ góc độ giới

Thứ Năm, 18/01/2018, 16:35 [GMT+7]

Theo các nghiên cứu, phụ nữ sống chung với HIV tại Việt Nam vẫn gặp phải những thách thức và khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc.

Tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV ở Việt Nam đã vượt mức 31%, so với hơn 20% so với cách đây 10 năm. Xu hướng gia tăng tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV tại Việt Nam cũng như tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với phụ nữ nhiễm HIV là vấn đề đáng lo ngại, tạo ra những khó khăn thách thức trong ứng phó quốc gia với đại dịch này.

Những thách thức về giới tại Việt Nam cũng như khuyến nghị về giải pháp và chính sách trong phòng chống HIV/AIDS đã được đề cập tại hội thảo "Đánh giá giới trong ứng phó với HIV ở Việt Nam và chặng đường sắp tới" do UN Women phối hợp cùng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức sáng 17/1 tại Hà Nội.

Kể từ thời điểm phát hiện ra trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam năm 1990, đến nay, trên toàn quốc có khoảng 300.000 người nhiễm HIV còn sống. Xu hướng, chiều hướng và cơ cấu dịch đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, nếu như trong giai đoạn đầu tiên, trung bình mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 30.000 ca nhiễm mới, với tỷ lệ nữ chiếm khoảng 8% thì hiện nay, tỷ lệ này đã lên đến 33% vào năm 2014, mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10.000 người/năm.

Theo các nghiên cứu, phụ nữ sống chung với HIV tại Việt Nam vẫn gặp phải những thách thức và khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc, cũng như các dịch vụ hỗ trợ. Với tâm lý e ngại, sợ kỳ thị, nhiều phụ nữ sống chung với HIV không tiếp cận được với các thông tin cần thiết để bảo vệ sức khỏe và có một cuộc sống tốt hơn.

 

 

Theo VTV

.