Nhiều sự cố y khoa đáng tiếc vì trách nhiệm bác sĩ nay rất khác xưa?

Chủ Nhật, 31/12/2017, 15:15 [GMT+7]

GS BS Phạm Gia Khải thừa nhận, năm 2017 có khá nhiều sự cố Y khoa đáng tiếc và ông thấy mình có trách nhiệm cùng các đồng nghiệp.

Năm 2017 đã kết thúc, bên cạnh những thành tích nổi bật đạt được, Ngành Y tế cũng gặp nhiều khó khăn cùng nỗi buồn khiến dư luận cũng như các cán bộ, nhân viên y tế chưa hài lòng.

Những mặt chưa được của Ngành Y

Ở tuổi xưa nay hiếm (90 tuổi) nhưng GS.BS – Anh hùng lao động, chuyên gia đầu ngành về Tim mạch Phạm Gia Khải vẫn tâm huyết, miệt mài với công tác khám, chữa bệnh cũng như đào tạo các bác sĩ trẻ để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

d
Tại  phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma


Tuy nhiên, GS BS Phạm Gia Khải thừa nhận, năm 2017 có khá nhiều sự cố Y khoa đáng tiếc, nhưng nổi bật nhất có ba vụ việc được dư luận nói tới nhiều nhất.

Đó là vụ sự cố lọc thận nhân tạo, tất cả có 18 người bị nạn, nhưng tử vong 8 người, tất cả là do bộ phận chuyên trách không kiểm tra nước xả các đường dây lọc máu trước khi làm thủ thuật. Một bác sĩ bị "bắt oan?", sau đó được các đồng nghiệp và Hội gây mê hồi sức thanh minh nên đã được tại ngoại.

Thứ 2, công ty VN Pharma đã trúng thầu tại nhiều bệnh viện trong phạm vi cả nước, và bán loại thuốc chống ung thư không rõ nguồn gốc đó, người bệnh mất tiền nhưng số phận họ là một ẩn số, còn VN Pharma chắc chắn là thu được nhiều lợi nhuận. Hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng là thuốc giả hay thuốc lậu. Vụ cuối cùng là dịch sốt xuất huyết hoành hành trong 2 tháng 7 và 8 khiến tốc độ lây lan nhanh gấp 700 lần so với cùng kỳ năm trước ở Thủ đô Hà Nội”.

d
GS.BS – Anh hùng lao động, chuyên gia đầu ngành về Tim mạch Phạm Gia Khải vẫn tâm huyết, miệt mài với công tác khám chữa bệnh.


GS Phạm Gia Khải tâm sự: “Là một cán bộ y tế, tuy đã qua tuổi công tác, quản lý chuyên môn, tôi vẫn thấy mình có trách nhiệm cùng các đồng nghiệp. Vấn đề chính ở đây là sự thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra đôn đốc cụ thể”.

GS Khải kể, những năm 1956-1958, người ta đã cho dùng loa phường để cảnh báo một trường hợp bán thuốc giun Santonin với liều dùng cao hơn liều qui định nhiều lần. Nhưng bây giờ thì không còn bóng dáng của tinh thần cảnh giác đó nữa. Vụ sốt xuất huyết vừa qua, việc diệt ấu trùng muỗi báo chí có nói, nhưng các biện pháp được đưa ra quá muộn. So với vụ dịch bại liệt ở thành phố Hà Nội năm 1956, hồi đó người ta làm quyết liệt hơn nhiều.

“Tôi muốn nêu lên những tồn tại để chúng ta cùng nhau giải quyết để tìm ra phương pháp tối ưu nhất. Rồi vấn đề Y tế liên quan đến giáo dục cũng như kỹ năng sống, trong đó có ăn sạch, uống sạch, ở sạch chúng ta phải làm thế nào?”- GS Khải chia sẻ.

GS Khải đã đưa ra ví dụ cụ thể để minh chứng đó là ở Thái Lan, ông thấy tất cả các nhân viên tại các cửa hàng ăn đều đi găng tay bằng polyéthylène, trong khi ở Việt Nam còn thiếu.

Theo GS Khải, cách đây 4-5 thập kỷ, trình độ Y tế của Việt Nam còn thấp hơn bây giờ, nhưng sự tham gia vào các việc chung của cán bộ y tế và người dân họ tự giác hơn.

Các khẩu hiệu khi đó đơn giản, dễ nhớ như "Ba sạch, bốn diệt", "Sạch nhà sạch ngõ", và ông nhận thấy không chỉ có sinh viên và nhân dân tham gia tổng vệ sinh, cán bộ lãnh đạo xã cũng hồ hởi tham gia như mọi người.

Theo GS Khải, Y tế là một ngành dịch vụ nhân đạo, nhưng một số anh chị em quá nhấn mạnh tới dịch vụ, và coi nhẹ tính chất nhân đạo, nên thiếu vắng hẳn tính chất nhân văn, tự biến mình thành “cỗ máy chém” lấy tiền, số đó không nhiều, nhưng con sâu làm rầu nồi canh, sự nhân ái mà con người trân trọng đang nhường chỗ cho tính vị kỷ của cá nhân nên chúng ta không thể yêu cầu xã hội quí trọng những con người đó được.

Thái độ hách dịch, cửa quyền với người bệnh và người nhà của họ là không thể chấp nhận được, và chúng ta không được quên là một người làm công tác y tế phải là người làm một nghề nhân đạo trong hành động và lời nói với tất cả mọi người, trong và ngoài ngành.

Những thành tựu đáng ghi nhận của Y tế Việt Nam

GS Phạm Gia Khải tự hào đánh giá cao Y tế Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trọng sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, chúng ta đã có những kỹ thuật ngang bằng thế giới.

d
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi đầu tiên được ghép phổi thành công tại Việt Nam vào đầu năm nay (ảnh: ANTĐ)


Cụ thể: trong năm 2017, những thành tựu đáng tự hào của ngành Y Việt Nam phải kể đến lần đầu tiên ghép phổi từ người sống (ngày 21/2, tại BV Quân y 103, bệnh nhân là 6 tuổi, nặng 14 kg. Nếu không ghép sớm, bệnh nhân khó qua khỏi. Ca ghép căng thẳng diễn ra từ 7h30 đến 17h30. Sau ca ghép thành công, cháu bé hồi phục tốt).

Thứ 2, áp dụng thành công phương pháp chữa vô sinh mới. Kỹ thuật “Nong vòi tử cung bằng bằng catheter qua nội soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng” do Bệnh viện Phụ sản Trung ương nghiên cứu và áp dụng thành công. Với phương pháp mới, những phụ nữ bị tắc vòi tử cung không cần phải TTTON, có thể làm mẹ một cách tự nhiên sau 6 tháng đến một năm.

d
Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam


Thứ 3, ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên do Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM cho bệnh nhân sinh năm 1992, ở tỉnh Cà Mau) được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào. Đây là một bước tiến, mở ra hướng đi mới và hi vọng chữa khỏi bệnh cho người mắc các bệnh lý ác tính không tìm được người cho tế bào gốc không cùng huyết thống phù hợp.

Thứ 4, cứu sống ca vỡ tử cung hiếm gặp. Chỉ sau 11 phút thần tốc các bác sĩ đã cứu được cả mẹ lẫn con cho thai phụ 37 tuần thai bị vỡ tử cung mặt sau. Đây là một ca cấp cứu thành công hi hữu với tai biến vỡ tử cung tự phát mặt sau được xem là hiếm gặp trên thế giới.

Cuối cùng là kỹ thuật mổ tim bằng công nghệ 3D do Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E (Hà Nội) thực hiện vào ngày 7/12. Bệnh nhân là bà Đ.T.T. (68 tuổi, phố Trần Quang Khải, TP Nam Định), mắc bệnh thông liên nhĩ. Công nghệ 3D giúp phẫu trường rõ nét, phẫu thuật viên tiến hành thao tác thuận lợi, rút ngắn thời gian mổ và hạn chế các tình huống rủi ro.

Là người dành phần lớn cuộc đời cho ngành Y, GS Phạm Gia Khải luôn mong ước mỗi cán bộ y tế tự giác làm tròn nhiệm vụ của mình; lãnh đạo ngành Y tế cũng đề cao trách nhiệm của mình, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

GS Khải cho biết, ông rất hạnh phúc được gần gũi với nhiều thế hệ thầy thuốc giỏi. Sự gắn bó của ông với các bạn từ khi tóc còn xanh đến lúc đầu bạc vẫn không hề thay đổi với thời gian. Những ý kiến trên của GS là những nhận xét tâm huyết trong cuộc đời làm nghề chữa bệnh, cứu người./.

 

Theo Thu Thủy/VOV.VN

 

.