Điện Biên

Những nguy hại khó lường bệnh sốt xuất huyết

Thứ Năm, 24/08/2017, 19:00 [GMT+7]

Điện Biên TV - Dịch bệnh sốt xuất huyết ngày càng tăng và có những diễn biến khó lường. Đừng coi thường căn bệnh này bởi những biến chứng của nó vô cùng nguy hiểm.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 90.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Số mắc tăng hơn 60%, số tử vong tăng 7 trường hợp so với cùng kỳ 2016.

Tại khu vực phía Bắc thì Hà Nội là một điểm nóng của dịch sốt xuất huyết.  Từ đầu năm 2017 (đặc biệt gia tăng từ tháng 5) toàn thành phố Hà Nội đã có gần 19 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Tính đến ngày 21/08/2017 tại tỉnh Điện Biên, ghi nhận 42 trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết Dengue. Trong số 42 trường hợp nghi ngờ mắc SXH có tới 40 ca phải nhập viện, Đặc biệt có 02 ca có diễn biễn bệnh cảnh rất nặng, dấu hiệu xuất huyết nội tạng.

Trạm Y tế xã Phì Nhừ huyện Điện Biên Đông tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về nguy hại của bệnh sốt xuất huyết và cách phòng tránh.
Trạm Y tế xã Phì Nhừ huyện Điện Biên Đông tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về nguy hại của bệnh sốt xuất huyết và cách phòng tránh.

 

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây nên. Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành qua loài muỗi có tên là Aedes aegypti thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi thường đậu ở quần áo, chăn, màn trong nhà. Muỗi vằn hoạt động hút máu vào ban ngày, cao nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo mùa, dịch bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, cao nhất vào tháng 7,8,9,10. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc sốt xuất huyết. Vòng đời của muỗi vằn trải qua 4 giai đoạn : trứng, bọ gậy ,lăng quăng, muỗi trưởng thành.

Trước tình hình dịch bệnh sảy ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã có văn bản chỉ đạo về phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về dịch bệnh cho người dân, hướng dẫn để người dân nâng cao nhận thức về dịch bệnh, các ngành chức năng cần có biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát.

Công tác phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như tránh muỗi đốt kể cả ban ngày; diệt bọ gậy muỗi, loăng quăng muỗi và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi; đồng thời thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà.

Nâng cao nhận thức tuyên truyền cho người dân hiểu về nguy hại của bệnh sốt xuất huyết và sự lây truyền của bệnh do muỗi vằn gây ra. Tập trung phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở những nơi sinh sản của muỗi như các dụng cụ chứa nước trong nhà và chung quanh nhà. Vì vậy, các gia đình cần xử lý dụng cụ chứa nước để làm giảm nguồn sinh sản của muỗi là biện pháp đơn giản và hiệu quả trong phòng chống muỗi truyền bệnh. Xử lý dụng cụ chứa nước sinh hoạt như chum, vại, bể nước ngoài trời, chậu cây cảnh... bằng cách dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh sản với nắp đậy kín, thả cá ăn bọ gậy...

Không để nước đọng lại tạo điều kiện sinh sản cho muỗi - Nhân dân tổ dân phố 8 phường Noong Bua TP Điện Biên Phủ dọn vệ sinh khu dân cư sinh sống

 

Ngoài ra, cần thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo như chai lọ, lu vò bị vỡ; vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa... bằng cách cho vào các túi chứa rồi chuyển tới nơi thu gom đồ phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng cách chôn, đốt. Các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa... phải được loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi để nước không đọng lại tạo điều kiện sinh sản cho muỗi. Có thể sử dụng các loại hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ nước đọng như hố ga ngăn mùi, bể chậu cây cảnh, lọ hoa...

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được dẫn đến nguy cơ tử vong.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp để phát hiện sớm điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch không để bùng phát thành dịch lớn, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do dịch bệnh trên địa bàn 
 

 

Hương Trà

.