Dấu hiệu nhận biết loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Thứ Bảy, 26/08/2017, 15:24 [GMT+7]

ThS. BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes (muỗi vằn) - loại muỗi này có một số điểm khác biệt mà mọi người đều có thể nhận biết.
 

1
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

 

Đặc điểm dễ nhận biết muỗi vằn:

- Muỗi nhỏ, bay nhanh, ở bụng và chân có các vằn (vằn nâu trắng hoặc đen trắng).

- Muỗi vằn không đốt vào nửa đêm mà hoạt động nhiều vào khi ánh sáng chạng vạng như chiều tối và sáng sớm. Tại những căn phòng ánh sáng yếu, nó cũng hoạt động cả ngày.

- Trong nhà, muỗi vằn thường đậu ở những chỗ treo quần áo, đặc biệt quần áo sẫm màu.

- Muỗi vằn đẻ trứng ở những vũng nước sạch như ở công trường xây dựng, mãnh vỡ, vỏ lốp xe…

- Muỗi vằn nhỏ nhưng bay xa, có thể bay đến 200m, vì thế nếu phun thuốc diệt muỗi thì phải phun cả một khu vực rộng, không chỉ phun ở gia đình mình.

3 giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết:

Giai đoạn 1: Thường là 3 ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt cao liên tục, đau mỏi người, đau cơ, đau hốc mắt, buồn nôn, chán ăn...

Giai đoạn 2: Sốt lui đi nhưng lại là giai đoạn dễ gặp biến chứng nguy hiểm.

Giai đoạn 3: Hồi phục: Cơ thể tái hấp thu dịch.

Bệnh nhân cần làm gì khi bị sốt?

- Nếu sống trong vùng đang có dịch sốt xuất huyết mà bạn bị sốt thì bạn cần đến cơ sở y tế để khám và xét nghiệm xem có bị sốt xuất huyết hay không? Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nhập viện hay điều trị tại nhà.

- Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, từ ngày thứ tư, sốt lui đi rồi nhưng tuyệt đối không được chủ quan mà lúc này biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhân phải theo dõi rất sát, hàng ngày phải đến bệnh viện làm xét nghiệm để xem có cô đặc máu, hạ tiểu cầu... Nếu xuất hiện biểu hiện bất thường như buồn nôn, đau tức vùng gan, trẻ nhỏ thì li bì, xuất hiện chảy máu bất thường, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay.

 

Theo VTV

.