Chất Asen trong nước mắm: Cần công bố rõ ràng, tránh mập mờ

Thứ Sáu, 21/10/2016, 11:37 [GMT+7]

Việc không phân biệt rõ ràng giữa Asen vô cơ và Asen hữu cơ đang làm ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống,

Sau khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố sản phẩm nước mắm có hàm lượng chất Asen (thạch tín) vượt mức cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm nhiều người tiêu dùng ở Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng, hoang mang. Điều này còn ảnh hưởng đến cả sản xuất nước mắm truyền thống do thông tin chung chung, không phân biệt rõ giữa Asen vô cơ và Asen hữu cơ. Vì theo nhiều chuyên gia thực phẩm thì Asen hữu cơ, được chiết xuất từ cá, không gây nguy hại cho sức khỏe.

 

1
Thị trường nước mắm: Vàng thau lẫn lộn? (Ảnh minh họa).

 

Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Kim Liên, ở đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, vẫn dùng nước mắm truyền thống được làm từ cá biển, có độ đạm cao. Giờ nghe thông tin của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về chất Asen trong nước mắm ảnh hưởng đến sức khỏe, chị rất lo lắng và bức xúc: “Tôi và những người sử dụng nước mắm rất hoang mang lo lắng. Bởi vì, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố như vậy không rõ ràng. Theo tôi tìm hiểu, quy định nồng độ Asen trong hữu cơ khác trong vô cơ. Ở đây hiệp hội công bố nhập nhằng không rõ ràng. Vô hình nó đi ngược lại với nước mắm của dân ta từ trước đến giờ”.
Việc công bố thông tin này cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đa số các nhà sản xuất nước mắm ở đây tuân thủ nghiêm ngặt về quy định sản xuất, sản phẩm đưa cả sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc... và cũng không gặp bất cứ cảnh báo nào về hàm lượng thạch tín không an toàn.
Theo quyết định 1401 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang thì nước mắm dán nhãn hiệu Phú Quốc phải sản xuất chủ yếu từ muối và cá cơm, trong đó tỷ lệ cá cơm tối thiểu phải từ 80% trở lên. Nên phần lớn nước mắm Phú Quốc có hàm lượng đạm và nitơ cao. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc được Liên minh Châu Âu bảo hộ và xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới. Liên minh Châu Âu cũng kiểm tra rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng. Và tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107-2003) cũng không đề cập gì tới chỉ tiêu hàm lượng thạch tín mà chỉ quy định dư lượng kim loại nặng.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Chủ Doanh nghiệp nước mắm Thanh Quốc, ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang kiến nghị: “Nước mắm Phú Quốc chuyên sản xuất từ con cá cơm tươi được đánh bắt và muối ngay trên tàu. Nước mắm Phú Quốc chất lượng và hàm lượng ni tơ cao. Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói nước mắm đạm càng cao thì thạch tín càng cao, gây hiểu nhầm ảnh hưởng đến sản phẩm chúng tôi. Cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề này về Asen vô cơ và Asen hữu cơ để tránh hiểu lầm”.
Theo một số chuyên gia công nghệ thực phẩm thì Asen hữu cơ gần như không gây tác hại với sức khỏe. Ngay trong nước biển, cá biển, rong biển... đều có hàm lượng Asen hữu cơ nhất định, nếu đem cá biển làm mắm thì đương nhiên sẽ có hàm lượng Asen hữu cơ. Nhiều người đang đặt câu hỏi về việc lấy mẫu kiểm tra nước mắm vừa rồi của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có chính xác ?
 
Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam- Văn phòng phía Nam cho rằng: “Lấy mẫu không chuẩn thì ra kết quả không chuẩn, kết quả không chuẩn thì không thể nói được cái gì. Khi 1 kết quả không đạt chuẩn thì phải lấy mẫu xét nghiệm ở 2 phòng thí nghiệm khác đối chiếu. Ở đây, chúng ta chỉ mới có một kết quả xét nghiệm, chưa thể đánh giá được. Hội này xét nghiệm ở đâu, nếu máy móc không chuẩn thì kết quả nó sẽ rất xa so với thực tế”.
Hiện nay, người tiêu dùng nhạy cảm với thực phẩm không an toàn. Vì vậy, các hiệp hội, cơ quan chức năng khi công bố bất kỳ thông tin nào liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng cần phải đầy đủ, rõ ràng, khách quan và đảm bảo tính chính xác./.
 

 

Theo VOV

.