Cần đồng cảm, chia sẻ với người có "H"

Thứ Tư, 30/09/2015, 17:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đó là mục đích hướng tới của Hội thảo “Vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV” do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế; Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) tổ chức ngày trung tuần tháng 9 vừa qua với sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan và thành viên nhóm tự lực, những người nhiễm “H” và một số người thân trong gia đình.

Theo thống kê của Sở Y tế, Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên 1 vạn dân cao nhất cả nước. Lũy tích người nhiễm HIV/AIDS tính đến tháng 8/2015 là 7.600 người; 111/130 xã, phường có người nhiễm, tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống trên dân số là 0,67%. Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, tình hình nhiễm HIV/AIDS đã giảm mạnh so với thời gian trước. Thực trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn trước năm 2009 rất nặng nề, người nhiễm bị sống cách ly, hắt hủi, ngược đãi... Tuy nhiên, những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm đáng kể. Người nhiễm không còn tự ti, mặc cảm mà đã dần chấp nhận sống chung với HIV; tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; kết hôn, sinh đẻ, ổn định gia đình và sống hòa nhập với cộng đồng. Đa số người nhiễm HIV/AIDS đã chủ động tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; trẻ em nhiễm HIV được đến trường học tập; người nhiễm HIV đã được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, vốn vay để phát triển kinh tế hộ gia đình.

c
Các đại biểu Cục Y tế dự phòng, Sở Y tế Điện Biên, một số sở, ban, ngành chia sẻ những giải pháp nhằm hướng tới xã hội không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

 

Mặc dù có những chuyển biến tích cực, song cũng còn bộ phận không nhỏ trong xã hội tồn tại tư tưởng kỳ thị người có “H”. Tại hội nghị, một số thành viên của nhóm Tự lực và những người thân của họ chia sẻ những tâm tư, bức xúc khi bị kỳ thị trong cuộc sống. Trong số đó, chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về sự kỳ thị của xã hội đối với gia đình Bà N.T.H có cháu G.Q.L hiện đang học tại Trường THCS Tân Bình cho biết: Gia đình cháu L. có bố mẹ bị nhiễm “H”, sau khi sinh cháu hai người đã chia tay và để con lại cho bà ngoại chăm sóc. Lớn lên, cũng như bao đứa trẻ khác, L. được bà cho đi mẫu giáo. Vì lo cho mọi người, bà H. kể chuyện cháu L. nhiễm H cho cô giáo nghe. Khi biết chuyện, cô giáo đã không cho L. đến trường. Bức xúc, nhưng bà đành chấp nhận. Thật buồn là trong suốt những năm tiểu học đến THSC, G.Q.L vẫn bị phân biệt, đối xử. Cũng như cháu L. chị N.T.N hiện công tác ở T.X Mường Lay cũng bị kỳ thị. Chị luôn bị những người xung quanh, thậm chí cả bạn bè, đồng nghiệp xa lánh. Kể câu chuyện trong nước mắt, thế nhưng chính bản thân chị N. đã vượt qua được rào cản và rồi hòa nhập với cộng đồng. Thời điểm này, chị đang cố gắng tập trung làm việc để nuôi mẹ ở quê và một người con. Tuy nhiên, chị mong muốn các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, tìm ra những giải pháp để tình trạng phân biệt, kỳ thị với người nhiễm “H” sẽ không còn nữa. Ngoài tâm sự của chị N., bà ngoại cháu G.Q.L, nhiều câu chuyện đáng buồn về thực trạng phân biệt, xa lánh của cộng đồng với người nhiễm HIV cũng được một số thành viên trong nhóm Hoa hướng dương và nhóm Tự lực chia sẻ.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nói: Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV không phải là mới nhưng cần được quan tâm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng đến quyền sống, lao động, học tập của người nhiễm “H”. Nếu tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV còn tiếp diễn thì Việt Nam sẽ khó thực hiện được mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người đang điều trị ARV có tải lượng ổn định dưới ngưỡng lây nhiễm).

Căn cứ vào tình hình thực tiễn của Điện Biên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống HIV/AIDS tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng công văn chỉ đạo chống kỳ thị và phân biệt đối xử cụ thể ở từng địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng cảm, chia sẻ với người có “H” để họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống./.

 

Văn Quyết
 

.