Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh với công tác phòng chống dịch bệnh viêm não Nhật Bản

Thứ Tư, 17/09/2014, 07:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bệnh viêm não Nhật Bản B đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, từ đầu năm đến nay cũng đã phát hiện 70 trường hợp viêm não vi rút, trong đó có 13 ca dương tính với vi rút viêm não Nhật Bản B và đã có 2 ca tử vong. Đây là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm thường lây qua đường muỗi đốt, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong hay để lại di chứng.

Theo con số thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, những trường hợp nhiễm viêm não vi rút chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết về công tác phòng chống dịch bệnh như ngủ không mắc màn, nhất là đối với dân tộc Mông. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này được cho là việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường làng bản chưa được chú trọng, tạo môi trường cho ruồi, muỗi mang vi rút gây bệnh trú ngụ phát triển, truyền bệnh sang người, đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản. Ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: "Về tình hình viêm não Nhật Bản B trên địa bàn tỉnh Điện Biên thì đến thời điểm này, số ca mắc không lớn, rải rác ở địa bàn của 5 huyện, thị xã. Tuy nhiên, có 3 địa bàn có số ca mắc cao hơn và có ca tử vong, đó là: Mường Nhé, Nậm Pồ và Điện Biên Đông."

c
Cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản

 

Theo cơ quan dịch tễ Trung ương, vi rút viêm não Nhật Bản thường khu trú trong một số loài súc vật (lợn, trâu, bò) và các loại gia cầm, nó không lây từ người sang người mà do muỗi hút máu súc vật mang bệnh truyền sang người qua vết đốt. Trong khi đó, nhận thức nhiều người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế. Để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã điều động cán bộ, y, bác sỹ xuống phối hợp với đội y tế dự phòng của Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hướng dẫn nhân dân cách phòng chống dịch bệnh. Đồng thời phun hóa chất diệt ruồi, muỗi, bọ gậy và vận động người dân ngủ nằm màn đề phòng muỗi đốt. Cùng với đó là tuyên truyền, hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, đậy nắp các dụng cụ chứa nước để ngăn chặn ấu trùng, bọ gậy, ruồi muỗi trú ngụ và phát triển.  

Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh viêm não Nhật Bản trên địa bàn tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh gặp phải không ít khó khăn. Ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết thêm: "Người dân sống rải rác, không tập trung cho nên khi triển khai các hoạt động về tuyên truyền, vận động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, cái khó khăn nữa là bà con không hưởng ứng tiêm chủng vắc xin để phòng ngừa bệnh, trong khi đó bệnh viêm não Nhật Bản B có vắc xin phòng ngừa."

Theo khuyến cáo của bác sỹ, để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ và ngủ mắc màn tránh muỗi đốt truyền bệnh cho người. Còn đối với những người có biểu hiện, triệu chứng của bệnh viên não Nhật Bản B cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra./.

 

Duy Sinh – Tiến Dũng
 

.