Hiệu quả bước đầu từ mô hình xử lý chất thải làng nghề làm miến dong

Thứ Sáu, 13/11/2020, 09:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hoạt động sản xuất tại làng nghề chế biến bột miến dong xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để phát triển làng nghề theo định hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và xây dựng nông thôn mới, mô hình bể chứa xử lý chất thải, nước thải đã được triển khai thực hiện, bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt.

Làng nghề chế biến bột miến dong xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ có quy mô hoạt động gồm 1 hợp tác xã, 8 cơ sở với nhiều hội viên nông dân, chi tổ hội tham gia.

Hàng năm, làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn bột miến dong, đem lại thu nhập tương đối ổn định cho người lao động.

Tuy nhiên, với khối lượng sản xuất lớn, chưa có hệ thống xử lý hiệu quả, khối lượng rác thải, nước thải trong quá trình sản xuất, chế biến hầu hết xả thẳng trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường.

1
Dây chuyền sản xuất bột dong riềng.

Trước thực trạng trên, Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành khảo sát và đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình “Xây dựng hệ thống bể chứa nước thải, chất thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường” tại Hợp tác xã Hồng Phước, xã Nà Tấu, bước đầu cho thấy những hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu chất thải trực tiếp ra môi trường.

Ông Lò Văn Pâng - Chủ nhiệm HTX Hồng Phước, chia sẻ: “Trước đây trong quá trình sản xuất bột dong riềng do chưa xây dựng được hồ chứa nên chất thải xả thẳng ra môi trường, khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Song từ khi có hỗ trợ từ Hội Nông dân, chúng tôi tôi đã đào được 5 ao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nước thải chảy ra rất trong, rất hiệu quả và thiết thực”.

Từ nguồn kinh phí 100 triệu đồng hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân cùng 90 triệu đồng các thành viên hợp tác xã đóng góp, mô hình bể chứa với quy mô 5 ngăn cùng hệ thống lọc rác đã được xây dựng.
Nước thải, chất thải trong quá trình sản xuất, chế biến dong riềng sẽ được chảy theo vòng ziczac lần lượt qua từng bể, giữa các bể có các vách ngăn chắn rác tạo sự lắng đọng, đem lại hiệu quả trong xử lý chất thải, hạn chế tác động xấu tới môi trường sinh thái.

1
Nước thải trong quá trình sản xuất bột dong riềng được lắng đọng trong bể xử lý trước khi thải ra môi trường.

“Qua quá trình triển khai tổ chức thực hiện, đến nay mô hình đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Qua đánh giá, chúng tôi nhận thấy các bể chứa chất thải rất trong, giảm thiểu rất nhiều ô nhiễm môi trường. Điều này cho thấy tiền hỗ trợ thực hiện rất hiệu quả, từ đây Hội sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền tới các cơ sở chế biến để nhân rộng mô hình này” – ông Vàng A Cử, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Điện Biên, nói,

Với tổng diện tích trồng dong riềng trên 300ha, năng suất bình quân 60 tấn/ha, nghề chế biến và làm bột miến dong tại xã Nà Tấu đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Có thể thấy từ hiệu quả mô hình “Xây dựng hệ thống bể chứa nước thải, chất thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường” đã mở ra một hướng đi mới cho việc xử lý chất thải tại làng nghề chế biến bột miến dong xã Nà Tấu.

Để nâng cao hiệu quả mô hình, trong thời gian tới cần có những giải pháp nhằm nâng cao ý thức, triển khai rộng rãi tới mỗi hộ kinh doanh nhằm thực hiện tốt công tác xử lý rác thải tại nguồn, góp phần đảm bảo điều kiện vệ sinh, giữ gìn môi trường sống trên địa bàn./.

 

 


Minh Trang – Minh Hòa/DIENBIENTV.VN
 

.