Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nơi đến Trường Sa

Thứ Hai, 15/06/2020, 15:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Gần 20 ngày trời lênh đênh trên biển, được đặt chân các hòn đảo và thấy được sự phát triển về biển đảo, về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã cho tôi cảm giác tự hào về biển đảo quê hương.

1
Trên 130 phóng viên báo chí tham dự chuyến công tác thay, thu quân và thăm, tặng quà, chúc tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa đợt 2 năm 2019

Nghề báo cho chúng tôi cơ hội được đi nhiều, khi nhận thông báo đi công tác tại vùng biển Trường Sa, chúng tôi những nhà báo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên có cảm giác háo hức, vinh dự và tự hào khi có cơ hội được đến với đảo Trường Sa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuyến công tác thay, thu quân và thăm, tặng quà, chúc Tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa đợt 2 năm 2019 là một dịp trải nghiệm với những kỷ niệm khó quên của hơn 130 phóng viên báo chí tham dự, đặc biệt những nhà báo ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc khi lần đầu chúng tôi được đặt chân đến nhà giàn DK1 và các điểm đảo ở quần đảo Trường Sa.

Tôi may mắn được đi trên tàu Hải quân mang số hiệu HQ-561, sau chuyến hải trình gần 1.000km đến với Trường Sa, chúng tôi được đặt chân đến một số hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa như Đảo Đá Lớn, Sinh Tồn, Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ... được đón Tết sớm cùng với những người lính Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió, được tiếp xúc gặp những người dân trên đảo, những nụ cười của các em học sinh, chiều chiều nghe tiếng chuông chùa ngân vang...đã mang đến cảm nhận về một sức sống mãnh liệt nơi đảo xa. Chuyến công tác đầu tiên ở Trường Sa lần này đã để lại những kỷ niệm sâu sắc nhất trong chặng đường gần 30 năm làm báo của tôi.

Đến Trường Sa dịp cuối năm là mùa biển động, sóng biển cao đến cả 4-5 mét khiến chiếc tàu chao đảo, những cú lắc mạnh làm những nhà báo lần đầu ra biển, vốn chưa quen với sóng biển nên nhiều người say sóng nhớ đời. Ngày đầu tiên, khá nhiều phóng viên say sóng nằm bẹp, đến bữa ăn bỏ cả cơm. Vậy mà, sau 2 ngày đêm vượt hàng trăm hải lý, điểm đảo được tiếp cận đầu tiên là đảo Đá lớn, thuộc huyện đảo Trường Sa, đây là đảo thuộc bãi đá ngầm cách bán đảo Cam Ranh 286 hải lý, nhiều phóng viên say sóng nằm bẹp một chỗ ngay từ lúc tàu dời bến, vừa nghe thông báo đến đảo là bật dậy, chuẩn bị máy quay, máy ảnh mặc áo phao háo hức khí thế xuống xuồng, gương mặt rạng ngời như trước đó chưa từng bị say sóng.

Gần đến đảo, Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác thông báo anh em phóng viên chuẩn bị tư trang, máy móc để vào đảo. Thượng tá Nguyễn Đức Độ quán triệt: Khi tàu thả neo, chúng ta xuống xuồng HQ để vào đảo, ưu tiên anh em báo chí cùng chỉ huy đoàn lên trước; hàng hóa và các chiến sĩ ra thay quân lên sau; còn khi về lại tàu thì các chiến sĩ lên trước, chỉ huy đoàn và anh em báo chí lên sau…Sở dĩ Thượng tá Nguyễn Đức Độ quán triệt như vậy, bởi thời gian ở trên các đảo không được nhiều nên khi tiếp cận đảo, đoàn công tác để anh em báo chí lên trước về sau là nhằm tạo điều kiện cho phóng có thêm thời gian tác nghiệp dù thời gian ít ỏi.

Tôi và anh em phóng viên xác định, tranh thủ thời gian thu thập được càng nhiều tư liệu, hình ảnh về công việc, đời sống của cán bộ chiến sĩ trên đảo càng tốt. Do đó, chỉ mới nghe trưởng đoàn thông báo, cánh phóng viên chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào việc, mọi người bật dạy chuẩn bị tư trang máy móc để vào đảo

Nhà báo Mai Thanh Hải (Báo Thanh niên) là những người rất nặng lòng với Trường Sa, ra với Trường Sa nhiều lần nên có nhiều kinh nghiệm chia sẻ với chúng tôi, nhất là những nhà báo lần đầu ra đảo về việc chuẩn bị tư trang, hành lý, vật dụng cần thiết phục vụ cho chuyến đi đảo mùa biển động, liên hệ phối hợp bố trí tạo điều kiện cho phóng viên có điều kiện thuận lợi nhất để tác nghiệp được những khoảnh khắc bình dị nhất về cuộc sống trên đảo, làm nên những thước phim, hình ảnh đầy ý nghĩa...

1
Nhà báo Bùi Anh Chiến, (Báo Lai Châu) (thứ 2 từ trái sang) cùng đội ngũ đông đảo phóng viên phỏng vấn chị Lữ Kim Cúc, một hộ dân trên đảo Sinh Tồn thuộc quần Đảo Trường Sa

Đặt chân lên đảo, mỗi phóng viên chúng tôi ai nấy đều tất bật, người quay, người chụp, người thì phỏng vấn…Những câu hỏi liên tục được phóng viên đưa ra đều được Chỉ huy cùng các chiến sĩ trên đảo trao đổi một cách rành mạch, cởi mở. Mỗi phóng viên một câu hỏi ở mỗi lĩnh vực nhiệm vụ khác nhau khiến các lính đảo trả lời, trao đổi liên hồi. Dù vậy, gương mặt các chiến sĩ vẫn luôn rạng ngời, nụ cười thân thiện nở trên môi. Chúng tôi càng thêm yêu quý các chiến sĩ hải quân. Ở họ thể hiện niềm tin và bản lĩnh của người lính hải quân và cả sự kiên cường, vững vàng trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phóng viên Bùi Anh Chiến (Báo Lai Châu) tâm sự: Lần đầu tiên tôi được cơ quan cử đi Trường Sa, đây là vinh dự và trách nhiện của mình. Tại các điểm đảo, tôi tranh thủ thời gian, cố gắng gặp nhiều người dân cùng các chiến sỹ trên đảo, tìm hiểu để kịp thời phản ánh đầy đủ cuộc sống ở Trường Sa nhằm đem đến những thông tin bổ ích, giúp bạn đọc thêm hiểu biết, cảm nhận rõ hơn về người lính Hải quân ở quần đảo Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Minh Tuấn (Tạp chí Văn nghệ tỉnh Gia Lai) cho biết “Có đến với Trường Sa, được nghe, thấy, tâm sự với người lính đảo càng làm cho tôi cảm phục tinh thần quyết giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc của người chiến sĩ Hải quân. Chỉ tiếc là thời gian chúng tôi được lưu lại ở đảo ít nên chưa có điều kiện tìm hiểu sâu về cuộc sống cũng như những tâm tư của người lính. Tuy vậy, chuyến đi mang lại cho tôi những kỷ niệm không thể nào quên…”

Cũng như những phóng viên khác, với tôi được tác nghiệp trên các đảo ở quần đảo Trường Sa thật sự là niềm vinh dự và tự hào. Càng vui hơn khi đến với người lính Trường Sa vào dịp giáp Tết Nguyên đán, được chứng kiến không khí đón tết của người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Tôi đã  rất xúc động. Tác nghiệp ở Trường Sa nơi vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốccủa Tổ quốc để  lại cảm xúc “thiêng liêng, tự hào đến lạ kỳ” trong tôi. Đây là dấu ấn không thể quên trong suốt cuộc đời làm báo của tôi cũng như của mỗi phóng viên báo chí từng đặt chân đến Trường Sa…

1
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tặng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa cho 118 cá nhân vì đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Trải qua hải trình gần 20 ngày, đoàn công tác đã tổ chức thay, thu quân và tặng quà, chúc Tết tại 21 đảo, 33 điểm đảo, mang Tết sớm đến quần đảo Trường Sa. Ngay sau khi tàu cập Quân cảng Cam Ranh, Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân đã tổ chức gặp mặt đoàn phóng viên báo chí hoàn thành nhiệm vụ theo tàu.

Đại tá Lã Văn Hùng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, chuyến công tác dài ngày này đọng lại những cung bậc cảm xúc ngọt ngào, khó quên về cuộc sống của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa,mặc dù chuyến hải trình dài ngày, sóng gió nhưng bằng sự quyết tâm, sự cố gắng, nhiệt huyết của mỗi cán bộ chiến sĩ trên tàu và các thành viên trong đoàn công tác giúp cho chuyến công tác trên quần đảo Trường Sa đã thành công tốt đẹp.

Ghi nhận những đóng góp của đoàn phóng viên báo chí trong việc tuyên truyền, phản ánh kịp thời cuộc sống, sinh hoạt của quân, dân huyện đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tặng Kỷ niệm chương cho 11 cá nhân và Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa cho 118 cá nhân vì đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

 

Hương Trà/DIENBIENTV.VN

.