Không thể bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối

Thứ Tư, 05/06/2019, 14:25 [GMT+7]

 Từ bốn nhóm vấn đề lớn được chất vấn tại kỳ họp đang diễn ra, có thể thấy sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội với các vấn đề xã hội bức bối, sau nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra thời gian qua.

1
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến diễn ra từ ngày 4 – 6/6.


Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, có 4 nhóm vấn đề được đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến diễn ra từ ngày 4 – 6/6. Đây đều là những nội dung "nóng", không chỉ được các đại biểu Quốc hội quan tâm mà còn được cử tri và nhân dân cả nước mong đợi.

Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất là lĩnh vực liên quan đến an ninh trật tự, gồm các nội dung:  công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giết người,  tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng thamgia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định và sử dụng ma túy, chất kích thích, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhóm vấn đề thứ hai được nhiều đại biểu quan tâm là lĩnh vực xây dựng, trong đó có các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô thành phố.

Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, bao gồm: xử lý những vấn đề vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư quốc lộ, đường bộ cao tốc và trách nhiệm của Bộ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Nhóm vấn đề thứ tư liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, cụ thể là quản lý nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, quản lý nguồn thu từ du lịch tâm linh và các di tích tham quan thắng cảnh; quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Trên thực tế, bốn nhóm vấn đề trên đã bao quát được các vấn đề xã hội nổi cộm được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua, từ các vụ trọng án giết người, ma túy lớn, tín dụng đen, cho tới các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tình trạng  xâm hại phụ nữ, trẻ em, các vụ việc mê tín dị đoan…

Giải quyết toàn diện các vấn đề văn hóa, xã hội

Đây cũng là những vấn đề đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu các cấp, các ngành cần hết sức lưu ý trong quá trình điều hành đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, văn hóa nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, không thể để đạo đức xuống cấp, không ham tăng trưởng, chạy theo kinh tế, càng kinh tế thị trường càng phải chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng văn hóa, giữ gìn đạo đức, đó là bản chất xã hội chủ nghĩa.

Tại các phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần nhấn mạnh cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối. Trong thời gian qua nổi lên nhiều vấn đề, vụ việc xã hội nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận, của nhân dân.

Do đó, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là mặc dù kinh tế vô cùng quan trọng nhưng cần thảo luận rõ nét hơn về các vấn đề xã hội để chúng ta thực hiện đúng mục tiêu kinh tế phát triển bền vững, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Điều quan trọng nhất là tập trung nỗ lực vượt bậc để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đồng thời giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm.

“Chúng ta chú trọng cả ba trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường, thời gian gần đây vấn đề môi trường đã được siết lại, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn với các vấn đề xã hội. Nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì tới một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển được”, Thủ tướng phát biểu.

Mới đây nhất, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa diễn ra, Thủ tướng cũng nêu rõ, qua thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đặt vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.

Chúng ta cần chú trọng văn hóa hơn, nếu phát triển kinh tế mà không chú trọng vấn đề văn hóa thì đến một lúc nào đó, kinh tế sẽ dừng lại do yếu tố văn hóa tác động, nhất là đạo đức, phẩm chất, môi trường sống, quan hệ xã hội khác… Thời gian qua, trong tam giác phát triển “kinh tế, xã hội, môi trường” thì kinh tế được tập trung, môi trường được chú trọng nhưng vấn đề văn hóa chưa được tập trung cao của hệ thống cấp ủy, chính quyền. Thủ tướng lưu ý cần quan tâm hơn nữa vấn đề này.

Việc lựa chọn nội dung chất vấn là những vấn đề "sát sườn" với người dân, đồng thời tiếp tục cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để tăng sự tranh luận nhằm đi đến tận cùng vấn đề, chắc chắc rằng qua chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sự trả lời trực diện của các thành viên Chính phủ sẽ làm sáng tỏ những vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, gửi gắm tới cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.